Ngày 6/1/2021 - ngày đen tối trong lịch sử bầu cử Mỹ
Đến nay, khi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đã ngã ngũ với chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden, cả thế giới vẫn chưa hiểu hết được những sự kiện đã diễn ra hôm 6/1 (theo giờ Mỹ). Ngày 6/1 này được xem như là một ngày đen tối trong lịch sử bầu cử của nước Mỹ khi theo thông lệ, ngày này lẽ ra phải diễn ra khá nhẹ nhàng, nhanh chóng và trong hòa bình. Tuy nhiên, không ai có thể tưởng tượng rằng nó lại trở thành ngày của bạo động.
Vào 14h ngày 6/1, người biểu tình bắt đầu tiến hành bạo động ở thủ đô Washington D.C., Mỹ. Vượt các hàng rào an ninh một cách nhanh chóng, người biểu tình tràn vào bên trong tòa nhà Quốc hội, phá cửa, vào tận phòng họp nơi diễn ra hoạt động kiểm phiếu bầu Tổng thống, chiếm vị trí chủ tọa và phòng làm việc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi. Cuộc họp kiểm phiếu của Quốc hội Mỹ phải tạm dừng sau khi mới diễn ra được hơn một tiếng đồng hồ. Tiếng súng vang lên bên trong Điện Capitol và đã có người tử vong.
Sau 3,5 giờ đồng hồ, Điện Capitol vẫn bị người biểu tình chiếm đóng. Trong nỗ lực của các cơ quan chức năng, lệnh giới nghiêm toàn thủ đô Washington bắt đầu có hiệu lực vào lúc 18h cùng ngày (giờ địa phương). Lực lượng phòng vệ quốc gia của quân đội cũng được tăng cường từ hai bang lân cận về thủ đô Washington D.C. để hỗ trợ cảnh sát cưỡng chế đám đông biểu tình ra khỏi tòa nhà Quốc hội, thiết lập lại an ninh và trật tự tại đây. Tới tận 20h, 6 tiếng sau khi diễn biến chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ xảy ra, Quốc hội Mỹ mới nối lại phiên họp kiểm phiếu đại cử tri bầu Tổng thống.
Người biểu tình tràn vào bên trong tòa nhà Quốc hội Mỹ. (Ảnh: AP)
Biểu tình bạo động đã được lên kế hoạch như thế nào?
Trong lịch sử chính trường Mỹ, có lẽ chưa có lần bầu cử Tổng thống nào gặp phải nhiều trắc trở như lần này, từ việc kiểm lại phiếu nhiều lần tại các bang, những vụ kiện cáo, và đến ngày cuối cùng bạo động đã xảy ra. Câu hỏi được đặt ra lúc này là vì sao người biểu tình lại có thể biến một sự kiện vốn có lịch sử ôn hòa trở thành bạo động?
Ngay sau khi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump kết thúc bài phát biểu trước những người biểu tình tại thủ đô Washington D.C. vào lúc 13h ngày 6/1, hàng trăm người đã đăng tải bài viết kêu gọi xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Theo tờ The New York Times, trên các trang mạng xã hội của phe cực hữu, nhiều tài khoản đã chỉ dẫn và bàn bạc về việc người biểu tình nên đi đường nào để tránh cảnh sát, mang theo những dụng cụ nào để cạy cửa dưới phần bình luận của các bài đăng. Ngoài ra, có ít nhất hàng chục người đã đăng tải các bài viết về việc mang theo súng vào hội trường của tòa nhà Quốc hội.
Còn theo đài truyền hình CNN, trước cuộc biểu tình, một số video TikTok cổ vũ bạo lực đã thu hút hàng nghìn lượt xem với tài khoản ủng hộ những người biểu tình thực hiện bạo loạn vũ trang tại thủ đô Washington D.C. Một video trên ứng dụng TikTok có nội dung cổ xúy bạo lực đã có gần 280.000 lượt xem. TikTok sau đó đã xóa 2 trong số các video vi phạm sau khi chúng bị CNN gắn cờ cảnh báo.
Trên mạng xã hội Twitter, đã có hơn 1.250 bài đăng từ các tài khoản liên quan đến thuyết âm mưu của QAnon về các cuộc biểu tình có chứa các thông tin bạo lực kể từ ngày 1/1. Một bài đăng từ tài khoản có liên quan đến QAnon đã trích dẫn lại một bài đăng khác với thuyết âm mưu vô căn cứ rằng, đảng Dân chủ, các nhà hoạt động chống lại phân biệt chủng tộc Black Lives Matter và những người phản đối Antifa đang lên kế hoạch sát hại những người ủng hộ ông Trump.
Người biểu tình tiến hành bạo động ở thủ đô Washington D.C., Mỹ. (Ảnh: AP)
Thành phần tham gia bạo động có thể gồm những ai?
Phần lớn ý kiến cáo buộc những người biểu tình xâm nhập tòa Quốc hội Mỹ là người ủng hộ của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nhóm kích động biểu tình bạo lực là phe chống ông Trump, nhân lúc "tranh tối tranh sáng" này để khiến mâu thuẫn giữa hai phe càng trở nên sâu sắc hơn.
Thiếu sót trong kế hoạch đảm bảo an ninh
Vụ bạo loạn tại Điện Capitol đã khiến các chính trị gia coi đây là vụ tấn công chưa từng có tiền lệ tại Mỹ. Và những thiếu sót an ninh được cho là "góp phần" đáng kể, khiến bạo động đạt được sức tàn phá như vậy. Giới hành pháp Mỹ nhận định, vụ bạo loạn tại Điện Capitol đã làm lộ ra một trong những lỗ hổng an ninh nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mỹ gần đây.
Hàng loạt quan chức Mỹ từ chức sau biến động tại Điện Capitol
Sự kiện ngày 6/1 tiếp tục gây chấn động trong những ngày, giờ sau đó, tới mức đã có các quan chức Chính phủ Mỹ từ chức.
Mới nhất, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ Betsy DeVos vừa nộp đơn từ chức. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Vận tải Elaine Chao tuyên bố từ chức, trực tiếp nêu nguyên nhân là do vụ việc người biểu tình tấn công tòa nhà Quốc hội. Thư ký Xã hội của Nhà Trắng, “Rickie” Niceta, cũng từ chức. Giới quan sát dự báo, tới đây sẽ còn có những quan chức chính phủ khác xin ra đi trước khi hết nhiệm kỳ.
Vụ việc tấn công vào Điện Capitol, một biểu tượng của công quyền Mỹ, còn gây ra những hậu quả đáng tiếc cho hình ảnh nước Mỹ trên trường quốc tế.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã bày tỏ phản ứng từ không thể tin được đến phản đối mạnh mẽ những hành vi bạo lực này. Hiện nước Mỹ vẫn chưa thể tính được hết sức tàn phá của sự kiện tới nội bộ nước Mỹ và uy tín của Mỹ trên thế giới. Việc giải quyết tất cả những hậu quả này sẽ là một trong những trách nhiệm đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Điểm tuần: Ngày đen tối trong lịch sử bầu cử Mỹ
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!