Tụ tập đông người, hò hét, không giãn cách là thực tế trong các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Mỹ (Ảnh: CNBC)
Làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 tại Mỹ có thể đến nhanh hơn do biểu tình?
Các quan chức y tế công cộng cảnh báo sau khi những cuộc biểu tình nổ ra sau cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd tạm lắng thì sẽ là lúc hàng loạt ca mắc COVID-19 mới được phát hiện tại Mỹ.
Những ngày gần đây, mỗi ngày nước Mỹ ghi nhận tới 20.000 ca mắc COVID-19 mới. Những người mang virus SARS-CoV-2 không triệu chứng có thể vô tình lây nhiễm cho người khác trong các cuộc biểu tình vốn không hề có sự giãn cách xã hội.
Mỗi ngày nước Mỹ ghi nhận tới 20.000 ca mắc COVID-19 mới (Ảnh: CNN)
Ít nhất một người biểu tình ở thành phố Tampa, bang Florida đã được phát hiện là mắc COVID-19. Cảnh sát trưởng Tampa, ông Brian Dugan, đã thông báo trên mạng xã hội Twitter rằng 5 sĩ quan cảnh sát đã tiếp xúc với người biểu tình này. Nhưng đó mới chỉ là một trường hợp được phát hiện ngay.
Tiến sĩ Michael Mina, trợ lý giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard, cho biết: "Việc reo hò, hô vang khẩu hiệu, đặc biệt là khi không đeo khẩu trang lại càng khiến mọi người có nguy cơ lây cao hơn... Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi nghĩ rằng việc tụ tập biểu tình có thể tạo ra các ổ dịch. Tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy trong vài tuần tới chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng số ca COVID-19 liên quan đến các cuộc biểu tình".
Tiền lệ
Một tiền lệ đã cho thấy dịch bệnh có thể lây lan bởi các cuộc tụ họp công cộng lớn. Vào tháng 9/1918, người dân ở thành phố Philadelphia đã tổ chức một cuộc diễu hành để hỗ trợ cho việc thúc đẩy trái phiếu chiến tranh trong Thế chiến I. Việc tập hợp 200.000 người, kề vai sát cánh, đã làm bùng phát một trận dịch cúm chết người, dẫn đến việc áp lệnh đóng cửa hàng loạt và hàng nghìn người tử vong.
"Rõ ràng, đó chính xác là một thời điểm sai lầm để tổ chức một cuộc diễu hành" - J. Alexander Navarro, Trợ lý Giám đốc của Trung tâm Lịch sử Y học tại Đại học Michigan, khẳng định.
Navarro cho biết, ông lo ngại nếu có làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, nước Mỹ sẽ phải đối mặt với cùng một vấn đề họ đã trải qua vào năm 1918.
Ý kiến trái chiều
Tuy nhiên, ngay cả trong giới y tế cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc kiểm soát các hoạt động biểu tình để ngăn chặn dịch bệnh.
Cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ Tom Frieden cho biết: "Các hoạt động tụ tập đám đông diễn ra ngoài trời nên ít rủi ro hơn nhiều so với trong nhà. Việc đeo khẩu trang cũng làm giảm bớt rủi ro".
Tiến sĩ Hillary Babcock, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Washington ở St. Louis và là cựu Chủ tịch của Hiệp hội Dịch tễ học Y tế Hoa Kỳ, cho rằng: "Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cũng đã gây ra những tác động lớn và rủi ro sức khỏe cộng đồng đối với một phần lớn dân số của chúng ta rồi".
Bà không đồng ý với lời kêu gọi người biểu tình ở nhà để tránh làm bùng phát dịch bệnh: "Tôi không nghĩ sử dụng sức khỏe cộng đồng như một lý do để ngăn cản các cuộc biểu tình sau những sự kiện này là thực sự phù hợp".
Bà Babcock cho biết có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách đeo khẩu trang, giãn cách và yêu cầu những người mắc COVID-19 ở nhà và rằng việc cảnh sát phun hơi cay khiến người biểu tình ho dữ dội cũng có khả năng làm lây lan virus SARs-CoV-2.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!