Máy bay 737 MAX của Boeing. (Ảnh: AP)
Kế hoạch được đưa ra trong bối cảnh Boeing, hãng sản xuất máy bay của Mỹ, đang tìm cách phục hồi sau các cuộc khủng hoảng liên tiếp.
Sau khi cắt giảm sản lượng chủ yếu do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Boeing và đối thủ ở châu Âu Airbus nhận thấy nhu cầu tăng lên đối với máy bay chở khách với quãng đường trung bình. Cả hai nhà sản xuất máy bay trên đã nhận được những đơn đặt hàng về loại máy bay này trong những tuần gần đây.
Các kế hoạch sản xuất của Boeing thay đổi và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Câu hỏi đang xoay quanh việc liệu chuỗi cung ứng có thể đáp ứng các kế hoạch sản xuất tăng cường, đặc biệt là ở châu Âu hay không. Bên cạnh đó, nhà cung cấp máy bay đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động và nguyên vật liệu cũng như tình trạng tài chính suy yếu sau đại dịch và cuộc khủng hoảng an toàn liên quan đến dòng máy bay 737 MAX.
Cuối tháng 1, Boeing cho biết, hãng đang làm việc để thanh lý 335 máy bay 737 MAX tồn kho sau hai vụ tai nạn máy bay gây chết người nghiêm trọng. Theo ước tính, hầu hết các máy bay phản lực này sẽ được chuyển giao vào cuối năm 2023.
Boeing từ chối bình luận về kế hoạch sản xuất của mình và đề cập đến các tuyên bố công khai cuối cùng của hãng.
Vào cuối tháng 1, Giám đốc tài chính Brian West cho biết, việc sản xuất máy bay 737 MAX đang diễn ra với năng lực 27 máy bay phản lực mỗi tháng và đang sớm trên đà đạt được con số 31 máy bay mỗi tháng.
Ngoài ra, Boeing đặt mục tiêu sản xuất tăng lên khoảng 38 máy bay thân hẹp mỗi tháng trong nửa đầu năm 2023 và đạt khoảng 47 máy bay mỗi tháng vào nửa cuối năm 2023.
Boeing đang đặt nền móng để tăng sản lượng gần gấp đôi vào cuối năm 2023, nhưng lưu ý rằng kế hoạch có thể thay đổi do những hạn chế của chuỗi cung ứng hoặc các yếu tố khác.
Trong khi đó, Airbus đã đặt mục tiêu sản xuất 65 máy bay/tháng vào mùa hè năm 2023 cho dòng máy bay thân hẹp A320 của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!