Theo dữ liệu từ cơ quan quản lý ngành khai thác vàng của Ghana, các mỏ quy mô nhỏ đã sản xuất 1,2 triệu ounce vàng trong 7 tháng đầu năm nay, nhiều hơn cả năm 2023. Khoảng 40% tổng sản lượng vàng của Ghana đến từ các mỏ khai thác vàng nhỏ. Khoảng 70 - 80% các mỏ nhỏ không có giấy phép hoạt động.
Martin Ayisi - người đứng đầu Ủy ban Khoáng sản Ghana, cơ quan quản lý ngành khai thác - cho biết hầu hết vàng "galamsey" đều được buôn lậu ra khỏi Ghana và do đó không đóng góp vào doanh thu xuất khẩu vàng của quốc gia này.
Theo ông Ayisi, giá vàng tăng là điều tốt cho Ghana, giúp nước này phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng vào năm 2022 đòi hỏi phải có gói cứu trợ 3 tỷ USD của IMF.
Ông Ayisi dự báo doanh thu xuất khẩu vàng quốc gia của Ghana sẽ tăng gấp 2 lần, lên 10 tỷ USD trong năm nay.
(Ảnh: AFP / Getty Images)
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho biết ranh giới giữa khai thác vàng hợp pháp và khai thác vàng trái phép rất mờ nhạt. Và vàng từ các mỏ không chính thức chiếm tỷ lệ doanh thu lớn hơn so với vàng được khai thác hợp pháp.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận mối nguy hiểm của "galamsey". Theo các bản tin và nhóm nhân quyền, hàng chục thợ mỏ đã thiệt mạng bởi các vụ sập mỏ vàng trong những năm gần đây. Trong khi đó, các bệnh viện và trung tâm y tế báo cáo số ca tử vong sớm do bệnh phổi ở thợ khai thác vàng, cư dân thị trấn và làng mạc gần mỏ vàng rất cao.
Nguyên nhân là do hít phải bụi có chứa kim loại nặng như chì, cũng như khói độc từ thủy ngân và axit nitric mà thợ mỏ sử dụng để lọc vàng ra khỏi đất trầm tích. Các hóa chất sau đó được đổ xuống đất hoặc xuống sông. Cơ quan quản lý nước của Ghana cho biết thủy ngân và kim loại nặng từ hoạt động khai thác đã làm ô nhiễm khoảng 65% nguồn nước.
Trong khi đó, hàng nghìn hecta đồn điền ca cao và rừng nguyên sinh đã bị những người khai thác bất hợp pháp phá hủy - theo dữ liệu từ Global Forest Watch, một nền tảng giám sát trực tuyến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!