Các nước lớn cắt giảm viện trợ, nạn đói toàn cầu ngày càng trầm trọng

Quỳnh Chi (Theo Reuters)-Thứ tư, ngày 25/12/2024 10:10 GMT+7

(Ảnh: Millennium Post)

VTV.vn - Số lượng người đói hoặc đang vật lộn với nạn đói trên khắp thế giới đang tăng lên, trong khi số tiền mà các quốc gia giàu nhất thế giới viện trợ đang giảm xuống.

Liên hợp quốc cho biết trong trường hợp tốt nhất, họ sẽ có thể quyên góp đủ tiền để hỗ trợ cho khoảng 60% trong số 307 triệu người dự đoán sẽ cần viện trợ nhân đạo vào năm 2025. Điều đó có nghĩa là ít nhất 117 triệu người sẽ không nhận được thực phẩm hoặc hỗ trợ khác vào năm 2025.

Kết thúc năm 2024, Liên hợp quốc quyên góp được khoảng 46% trong số 49,6 tỷ USD mà họ kêu gọi cho viện trợ nhân đạo trên toàn cầu. Đây là năm thứ hai liên tiếp Liên hợp quốc quyên góp được chưa được 50% số tiền mà họ tìm kiếm. Sự thiếu hụt đã buộc các cơ quan nhân đạo phải đưa ra những quyết định khó khăn như cắt giảm khẩu phần ăn cho người bị đói và cắt giảm số lượng người đủ điều kiện nhận viện trợ.

Hậu quả đang được ghi nhận ở một số quốc gia như Syria, nơi Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) - đơn vị phân phối lương thực chính của Liên hợp quốc - từng cung cấp lương thực cho 6 triệu người. Bà Rania Dagash-Kamara - Trợ lý Giám đốc điều hành phụ trách quan hệ đối tác và huy động nguồn lực của WFP - cho biết WFP đã phải cắt giảm số lượng người mà họ hy vọng sẽ giúp đỡ ở Syria xuống còn khoảng 1 triệu người.

Các nước lớn cắt giảm viện trợ, nạn đói toàn cầu ngày càng trầm trọng - Ảnh 1.

(Ảnh: AFP / Getty Images)

Bà Dagash-Kamara đã đến thăm đội ngũ nhân viên của WFP tại Syria vào tháng 3. Bà cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng: "Lúc này, chúng tôi đang lấy thực phẩm từ những người đói để nuôi những người đang chết đói'".

Các quan chức Liên hợp quốc nhận thấy có ít lý do để lạc quan vào thời điểm xung đột lan rộng, bất ổn chính trị và thời tiết khắc nghiệt - tất cả đều là những yếu tố gây ra nạn đói. Ông Tom Fletcher, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối viên cứu trợ khẩn cấp, nói: "Chúng tôi đã buộc phải thu hẹp quy mô kêu gọi cứu trợ cho những người có nhu cầu cấp thiết nhất".

Áp lực tài chính và sự thay đổi tình hình chính trị trong nước đang định hình lại quyết định của một số nước giàu có về việc nên viện trợ cho quốc gia nào và viện trợ bao nhiêu. Đức - một trong những nhà tài trợ lớn nhất của Liên hợp quốc - đã cắt giảm 500 triệu USD tiền tài trợ từ năm 2023 đến năm 2024 như một phần của chính sách "thắt lưng buộc bụng" nói chung. Nội các của nước này đã khuyến nghị cắt giảm thêm 1 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho năm 2025. Quốc hội mới tại Đức sẽ quyết định kế hoạch chi tiêu của năm tới sau cuộc bầu cử liên bang vào tháng 2/2025.

Các tổ chức nhân đạo cũng đang chờ đợi xem Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đề xuất gì sau khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1/2025. Trên thực tế, ông Trump đã tìm cách cắt giảm tài trợ của Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình.

Mỹ đóng vai trò hàng đầu trong việc ngăn ngừa và chống lại nạn đói trên toàn thế giới. Washington đã cung cấp 64,5 tỷ USD viện trợ nhân đạo trong 5 năm qua. Con số đó chiếm ít nhất 38% tổng số tiền đóng góp - theo ghi nhận của Liên hợp quốc.

WFP mở cuộc điều tra khi nạn đói lan rộng tại Sudan WFP mở cuộc điều tra khi nạn đói lan rộng tại Sudan Nạn đói lan rộng ở Yemen, hàng triệu trẻ em có nguy cơ suy dinh dưỡng nghiêm trọng Nạn đói lan rộng ở Yemen, hàng triệu trẻ em có nguy cơ suy dinh dưỡng nghiêm trọng 33 triệu người có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nạn đói ở Nigeria 33 triệu người có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nạn đói ở Nigeria

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước