Quân đội Ukraine tham gia chiến dịch ở miền Đông. (Ảnh: AFP)
Đồng thời, nguồn tin cấp cao trong bộ Quốc phòng hai nước Mỹ và Italy cũng khẳng định không đề nghị "viện trợ vũ khí sát thương" cho Ukraine như tuyên bố trước đó của Kiev.
Trước đó, ông Yuri Lutsenko, Cố vấn đồng thời là người đứng đầu đảng "Khối Poroshenko" của Tổng thống Ukraine, đăng tải trên Facebook thông tin rằng tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở xứ Wales, Kiev đã đạt được thỏa thuận về việc 5 quốc gia thành viên liên minh này cung cấp vũ khí và cố vấn quân sự cho Ukraine. Ngay sau đó cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ba Lan Jacek Sonta đã bác bỏ tuyên bố của ông Lutsenko, nêu rõ tại Hội nghị thượng đỉnh NATO không có một thỏa thuận nào về việc cung cấp vũ khí từ Ba Lan sang Ukraine. Còn người phát ngôn Bộ Quốc phòng Na Uy Lars Gjemble khẳng định Oslo không có ý định cung cấp vũ khí cho Kiev và hiện đang tìm hiểu mục đích của Kiev khi đưa ra thông tin không đúng thực tế trên.
Bên cạnh đó, Oslo xác nhận sẽ tham gia cuộc tập trận thường niên theo kế hoạch tại Ukraine tới đây. Cùng ngày, theo người phát ngôn điện Elisee, thông tin về việc 5 nước NATO nhất trí cung cấp vũ khí cho Ukraine được Kiev lấy từ một nguồn tin không chính thức, do đó Paris không bình luận gì về thông tin này.
Trong khi đó, hãng tin ANSA của Italy dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng nước này thông báo Italy chỉ sẵn sàng cung cấp cho Ukraine trang thiết bị quân sự phi sát thương, cụ thể là áo và mũ chống đạn, và chỉ trong khuôn khổ quyết định của các nước đối tác trong NATO và Liên minh châu Âu (EU). Do đó, tuyên bố về một thỏa thuận cung cấp vũ khí cho Kiev là không đúng với sự thực. Về phần Mỹ, ngày 7/9, một quan chức cấp cao nước này cho biết Washington chưa hề đưa ra lời đề nghị "viện trợ vũ khí sát thương" cho Ukraine.
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở xứ Wales ngày 5/9, lãnh đạo NATO nhất trí tổ chức này sẽ không gửi quân đội và vũ khí đến Ukraine, nước không phải là thành viên NATO. Tuy nhiên, các nước thành viên khác có thể thỏa thuận với Kiev nếu muốn.