Căng thẳng cuộc đối đầu Mỹ - Iran: Liệu có nguy cơ đụng độ quân sự?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 04/01/2020 20:36 GMT+7

VTV.vn - Điều gây lo ngại nhất lúc này là liệu cuộc đối đầu có dẫn đến nguy cơ đụng độ quân sự giữa 2 nước hay không?

Sự chú ý của cả thế giới vẫn đang hướng vào khu vực Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng leo thang đến mức nguy hiểm giữa Mỹ và Iran.

Trong 24 giờ qua liên tục có những diễn biến dồn dập liên quan đến căng thẳng giữa Mỹ và Iran, mà được quan tâm nhất là liệu Iran sẽ làm gì, sau khi vị tướng hàng đầu của nước này bị Mỹ sát hại.

Iran đã có một số động thái đầu tiên, đó là họp khẩn Hội đồng An ninh quốc gia tối cao, bổ nhiệm người thay thế tướng Soleimani, tuyên bố 3 ngày quốc tang tưởng niệm tướng Soleimani. Trên thực địa, máy bay chiến đấu F14 của Iran đã được điều tới biên giới ngay từ 3/1 và được đặt trong tình trạng báo động.

Iran đã tuyên bố Mỹ phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công khiến tướng Soleimali thiệt mạng. Có thể hiểu tuyên bố này như thế nào?

Iran cân nhắc kịch bản đáp trả Mỹ

Tư lệnh mới của lực lượng Quds, tướng Esmail Ghaani mới đây đe dọa: "Hãy chờ xem, thi thể người Mỹ rồi sẽ trải khắp Trung Đông". Đây có thể nói đây chính là kịch bản người ta đang lo ngại nhất trong lúc này. Điều đó đồng nghĩa Iran và các lực lượng thân tín của họ trong khu vực sẽ tiến hành trả đũa bằng một loạt các chiến dịch ám sát, tiêu diệt các quan chức cấp cao, nhà ngoại giao hay tướng lĩnh quân đội Mỹ và xa hơn, hình thức ám sát, tiêu diệt các cá nhân của nhau sẽ trở thành một cách thức phổ biến trong cuộc đối đầu giữa Iran và Mỹ.

Ở góc độ này, có thể thấy hệ lụy của việc Mỹ sát hại tướng Soleimani quả thật nguy hại. Trước đó, Mỹ đã liệt Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran vào danh sách khủng bố và Iran cũng đã làm điều tương tự với quân đội Mỹ. nên 2 nước đều cho rằng mình có đủ lý lẽ để tiến hành các chiến dịch tiêu diệt lẫn nhau. Dĩ nhiên, Iran không nhất thiết sẽ phải hành động ngay. Họ sẽ chờ đợi thời điểm thích hợp cho các chiến dịch của mình.

Như vậy, có thể hiểu là đáp lại một vụ ám sát lớn sẽ là các cuộc ám sát và tấn công ở các mức độ khác nhau.

Nguy cơ của những hành động trả đũa từ phía Iran chính là điều đang gây lo ngại trong nội bộ nước Mỹ lúc này, cho dù Tổng thống Trump đã lên tiếng bảo vệ quyết định của mình sau vụ không kích tiêu diệt tướng Soleimani.

Nước Mỹ trước nguy cơ trả đũa từ Iran

Lầu Năm góc khẳng định đích thân Tổng thống Donald Trump ra lệnh thực hiện vụ tấn công tên lửa tiêu diệt tướng Qasem Soleimani.

Phía Mỹ coi đây là hành động phòng thủ, vì cho rằng tướng Soleimani chính là người tích cực đứng sau các kế hoạch tấn công các nhà ngoại giao Mỹ tại Iraq và khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, một số chính trị gia Mỹ lại lo ngại rằng, động thái này có thể gây nguy hiểm và tác động ngược tới sự an toàn của người dân và các lợi ích của Mỹ.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ không tìm cách lật đổ chính quyền Iran nhưng sẽ sử dụng biện pháp cứng rắn nếu cần thiết.

Ngay trước vụ không kích, Mỹ đã tăng cường 750 binh lính tới Trung Đông. Còn sau vụ không kích, chính quyền Mỹ đã quyết định điều động tiếp tới đây thêm khoảng 3.000 binh lính nữa.

Lực lượng tình báo của Mỹ được cho là đang tìm hiểu khả năng trả đũa của Iran để có biện pháp phòng ngừa. Còn ngoại trưởng Mỹ thì tuyên bố, là theo chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ đã sẵn sàng đáp trả bất cứ phản ứng hay mối đe dọa nào từ Iran nhằm đảm bảo an toàn cho người dân Mỹ.

Vụ không kích tướng Soleimani được coi là giọt nước tràn ly, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Iran vốn căng thẳng từ giữa năm 2018 sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và đã nóng lên trong suốt cả năm 2019 với nhiều vụ va chạm tại các địa điểm khác nhau ở vùng Vịnh.

Những ngày sắp bước sang năm mới 2020, tình hình lại đột ngột nóng trở lại với một loạt diễn biến dồn dập trong vòng 1 tuần qua, mà điểm nóng lần này là Iraq.

Căng thẳng Mỹ - Iran: Những diễn biến dồn dập

Ngày 29/12:

Mỹ mở đợt không kích nhằm vào lực lượng Kataib Hezbollah tại Iraq, tiêu diệt 25 tay súng. Vụ tấn công nhằm trả đũa cho đợt tấn công của nhóm này vào một căn cứ quân sự tại Iraq có lính Mỹ đồn trú, làm 1 nhà thầu dân sự Mỹ thiệt mạng. Điều đáng nói là Mỹ luôn cáo buộc Iran là nước đứng đằng sau, hậu thuẫn cho nhóm này, điều Iran luôn bác bỏ.

Ngày 31/12:

Các cuộc biểu tình sau đó bùng phát phản đối các cuộc không kích của Mỹ ở Iraq. Hàng nghìn người đã tập trung trước Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad và đốt phá. Nhiều nhân viên Đại sứ quán Mỹ đã phải sơ tán khẩn cấp khi người biểu tình ném đá và đốt một chốt kiểm soát an ninh.

Ngày 1/1

Vào ngày đầu năm mới 2020, Mỹ triển khai khoảng 750 binh sĩ để củng cố an ninh cho Đại sứ quán nước này ở Thủ đô Baghdad trước các cuộc biểu tình bạo lực. Tổng thống Mỹ Donald Trump đổ lỗi cho Iran đã đứng sau dàn xếp vụ người biểu tình bao vây Đại sứ quán Mỹ tại Iraq. Iran tiếp tục bác bỏ.

Ngày 2/1:

Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi cảnh báo công dân của mình không đi du lịch tới Iraq.

Ngày 3/1:

Mỹ không kích vào khu vực gần sân bay quốc tế ở Thủ đô Baghdad của Iraq với mục tiêu là chiếc xe chở Thiếu tướng Qasem Soleimani. Đích thân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh thực hiện vụ tấn công này.

Các nước kêu gọi Mỹ - Iran kiềm chế

Qasem Soleimani là vị tướng, là nhà chiến lược có uy tín hàng đầu tại Iran và có sức ảnh hưởng lớn tại Trung Đông. Chính vì thế, vụ ám sát nhân vật này đang đẩy Mỹ và Iran vào tình trạng đối đầu căng thẳng nhất trong 40 năm qua. Các nước trên thế giới hiện đang theo dõi sát căng thẳng lần này, với lời kêu gọi 2 bên kiềm chế.

Giáo sĩ dòng Shi'ite hàng đầu của Iraq, ông Al-Karbalaie hôm qua đã lên án cuộc không kích của Mỹ, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế.

Nhiều nước đã bày tỏ lo ngại vụ không kích của Mỹ khiến Tướng Soleimani thiệt mạng có nguy cơ đổ thêm dầu vào chảo lửa Trung Đông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron về vụ không kích của Mỹ. Ông Putin bày tỏ lo ngại hành động trên của Mỹ có thể khiến tình hình trong khu vực xấu đi nghiêm trọng. Còn nhà lãnh đạo Pháp thúc giục các bên liên quan tránh mọi hành động có thể khiến tình hình thêm leo thang căng thẳng.

Phát biểu sau khi việc đã rồi, Tổng thống Mỹ tuyên bố không muốn chiến tranh với Iran. Tuy nhiên, qua hành động trên thực tế, chính sách gây sức ép tối đa mà Mỹ áp dụng với Iran trong suốt hơn 1 năm qua đã bị đẩy lên một cấp độ mới. Vụ ám sát đã tạo ra một bước ngoặt tiềm ẩn nhiều rủi ro tại Trung Đông mà mức độ đối đầu và xung đột sẽ phụ thuộc vào các động thái thăm dò lẫn nhau giữa 2 bên trong những ngày tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước