Ngay sau phát biểu của Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc mua lại Greenland từ Đan Mạch, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ quan điểm cứng rắn. Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 8/1 khẳng định nguyên tắc bất khả xâm phạm biên giới là một phần cốt lõi của luật pháp quốc tế và giá trị phương Tây.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố: "Nguyên tắc bất khả xâm phạm biên giới áp dụng cho mọi quốc gia, bất kể quốc gia đó ở phía Đông hay phía Tây của chúng ta. Mọi quốc gia phải tuân thủ nguyên tắc đó, bất kể quốc gia đó là một quốc gia nhỏ hay một quốc gia hùng mạnh".
Những tảng băng trôi lớn gần thị trấn Kulusuk, ở phía đông Greenland. (Ảnh: AP)
Ủy ban châu Âu cũng tuyên bố rằng Greenland sẽ được bảo vệ theo điều khoản phòng thủ chung của Hiệp ước Lisbon trong trường hợp xảy ra các động thái quân sự. Người phát ngôn Paula Pinho nhấn mạnh, mặc dù điều khoản 42.7 của Hiệp ước Lisbon có hiệu lực với Greenland, nhưng hiện tại kịch bản này chỉ là giả thuyết và không thể so sánh với các sự kiện tại Ukraine.
Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới và là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, sở hữu vị trí địa chính trị quan trọng khi nằm giữa Mỹ và châu Âu. Hòn đảo này không chỉ giàu khoáng sản quý hiếm mà còn có tiềm năng mở ra các tuyến vận tải hàng hóa mới nhờ tình trạng băng tan và nhiệt độ Bắc Cực tăng cao.
Những tảng băng trôi lớn trôi gần Kulusuk, Greenland, vào ngày 16/8/2019. (Ảnh: AP)
Gần đây, ông Trump đã tuyên bố rằng Mỹ có thể áp thuế lên Đan Mạch nếu quốc gia này từ chối đề nghị bán Greenland, cho rằng đây là vấn đề sống còn đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
Greenland từng là thuộc địa của Đan Mạch và hiện là lãnh thổ tự trị. Thủ phủ Nuuk của Greenland có vị trí địa lý gần với thành phố New York hơn là với thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, càng làm nổi bật giá trị chiến lược của hòn đảo này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!