Ngày 13/10, vòng tranh luận đầu tiên của Đảng Dân chủ chính thức bắt đầu. Những phát ngôn liên quan tới các chính sách kinh tế đã nhanh chóng được đưa ra. Nổi bật là vấn đề giải quyết thu nhập cho tầng lớp trung lưu Mỹ. Ngoài ra, bà Hillary Clinton cũng bị chỉ trích vì quan điểm phản đối Hiêp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi cho rằng, Hiệp định này sẽ không giúp tăng thu nhập cho người lao động Mỹ.
Đối lập với cuộc tranh luận ôn hòa của Đảng Dân chủ, ngày 28/10, Đảng Cộng hòa đã có vòng tranh luận thứ ba nảy lửa giữa các ứng viên. Ngay từ đầu, Thống đốc bang Ohio - John Kasich đã chỉ trích tỷ phú Donald Trump và ông Ben Carson, thành viên chưa từng nắm giữ chức vụ nào trong Chính phủ, vì đã đưa ra những đề nghị mà ông cho là thiếu thực tế. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hết lần này đễn lần khác ngần ngại tăng lãi suất cơ bản cũng được đề cập đến.
Vòng tranh luận này cho thấy, các ứng cử viên của Đảng Cộng hòa vẫn bất đồng về nhiều vấn đề kinh tế quan trọng như: Chính sách thuế, chi tiêu liên bang, các chương trình an sinh xã hội và tăng trưởng việc làm. Tuy nhiên, các ứng viên lại tập trung phần lớn thời gian công kích lẫn nhau hơn là các vấn đề kinh tế của nước Mỹ. Việc công kích nhằm thể hiện sự nổi trội của mình để tìm kiếm thêm sự ủng hộ của các cử tri và để kêu gọi các nhà tài trợ tiếp tục bơm tiền cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Không chỉ là những tranh luận trước công chúng, cuộc đua vào Nhà trắng còn cuộc chiến về tiền bạc. Theo dự báo của giới chuyên gia, cuộc bầu cử năm tới sẽ phá kỷ lục về chi phí tranh cử khi tiêu tốn tới 11 tỷ USD. Như vậy, các ứng viên Tổng thống Mỹ hiện đang thể hiện hết mình trên sân khấu, không chỉ để thắng trong cuộc tranh luận mà còn để làm hài lòng các nhà tài trợ và thu hút những món tiền ủng hộ của cử tri.
Chương trình Tạp chí Kinh tế cuối tuần tuần này xoay quanh cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của các ứng viên Tổng thống Mỹ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.