Thế giới vẫn mong ngóng vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Reuters
Cuộc đua bào chế vaccine phòng COVID-19 đã gọi tên quốc gia đăng ký vaccine trước tiên, đó là Nga. Ngay lập tức, vaccine Sputnik-V của Nga với giá thành 10 USD cho 2 liều đã được 20 nước trên thế giới đặt mua hơn 1 tỷ liều.
Sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm, Bộ Y tế Nga khẳng định vaccine phát huy hiệu quả, có độ an toàn cao và khả năng miễn dịch kéo dài đến hai năm. Trong một cuộc đua cạnh tranh quyết liệt, người về đích sớm chưa hẳn đã hết áp lực, nhất là khi vaccine giờ là thứ cả thế giới chờ đợi, không chỉ thể hiện sức mạnh về khoa học, y tế, mà còn là tiềm lực, vị thế quốc gia. Vậy nên không ngạc nhiên khi có không ít ý kiến hoài nghi về tính hiệu quả của vaccine Nga.
Ông Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ cho rằng: "Có vaccine và chứng minh vaccine an toàn và hiệu quả là hai việc hoàn toàn khác nhau. Tôi hy vọng rằng người Nga đã thực sự chứng minh một cách chắc chắn rằng vaccine là an toàn và hiệu quả".
Theo thống kê của WHO, tổng cộng có 165 vaccine ngừa COVID-19 đang được bào chế trên toàn thế giới. Trong số này, có 139 vaccine vẫn đang trong giai đoạn đánh giá, trong khi 26 loại khác đang được thử nghiệm trên người ở nhiều giai đoạn khác nhau, với 6 loại bước sang giai đoạn 3 về đánh giá lâm sàng.
Công ty dược Moderna sắp thử nghiệm vaccine phòng bệnh COVID-19 với 30.000 người. Ảnh: Reuters
Trong số 6 vaccine trên, vaccine của Sinopharm của Trung Quốc đã cho hiệu quả tích cực và hứa hẹn đưa ra thị trường vào cuối năm nay.
Nhiều nước khác, trong đó có Mỹ, đang hợp tác chặt chẽ với lĩnh vực tư nhân để tìm kiếm vaccine. Một loại vaccine ngừa COVID-19 do công ty Moderna của Mỹ phát triển đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Châu Âu cũng tiên phong gây quỹ 8 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu vaccine. Bốn nước châu Âu là Pháp, Đức, Italy và Hà Lan đã thành lập một liên minh nghiên cứu và sản xuất vaccine trên đất châu Âu.
Trong khi đó, công tác nghiên cứu bào chế và phát triển vaccine ở một loạt quốc gia như Australia, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan cũng đang được đẩy mạnh với mục tiêu có thể sản xuất vaccine trong đầu năm tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!