Đây là thời điểm quan trọng để các nhà lãnh đạo thế giới gửi tín hiệu về cách họ sẽ tăng cường các cam kết khí hậu quốc gia và thực hiện các cam kết trong quá khứ.
Sự kiện này được kỳ vọng là bước ngoặt trong hành động về khí hậu trong bối cảnh nhiệt độ tại nhiều nơi liên tục phá kỷ lục và các thảm họa khí hậu ngày càng gia tăng trên toàn cầu.
COP29 - Sự kiện hứa hẹn mang lại các cơ hội quan trọng
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 29 của Liên hợp quốc (COP29) hứa hẹn là cơ hội quan trọng để tăng cường liên kết giữa thương mại, đầu tư và hành động chống biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu. Một trong những điểm nổi bật của sự kiện là Ngày Tài chính, Đầu tư và Thương mại khí hậu vào ngày 14/11 tới. Trong sự kiện này, các cuộc thảo luận về cách thương mại và đầu tư có thể hỗ trợ các dòng tài chính khí hậu và giúp các quốc gia đang phát triển thực hiện quá trình chuyển đổi công bằng.
Ông Simon Stiell - Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu - cho biết: "Tại Hội nghị COP29, chúng ta cần thống nhất mục tiêu mới về tài chính khí hậu, đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển. Nhưng thống nhất một mục tiêu thôi là chưa đủ. Chúng ta cần một thỏa thuận mới về tài chính khí hậu, giữa các nước phát triển và đang phát triển".
Hội nghị được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hành động bảo vệ môi trường mạnh mẽ hơn trên toàn cầu, trong bối cảnh các thảm họa thiên nhiên gia tăng nhanh chóng và lượng khí nhà kính đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết trong 2 thập niên qua, lượng khí nhà kính tích tụ trong khí quyển với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử loài người.
Hiện tại, nồng độ khí carbon dioxide đã cao hơn 51% so với thời kỳ tiền công nghiệp. Còn khí methane - một loại khí nhà kính mạnh khác - cao hơn 165%. Việc đốt than, dầu và khí đốt trên toàn thế giới là tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu: "Lượng phát thải khí nhà kính hàng năm đang ở mức cao nhất mọi thời đại, tăng 1,3% vào năm 2023. Chúng ta phải giảm 9% mỗi năm cho tới năm 2030 để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C và tránh tình trạng biến đổi khí hậu tồi tệ nhất. Có mối liên hệ trực tiếp giữa việc tăng lượng khí thải và các thảm họa khí hậu ngày càng thường xuyên và khốc liệt".
Biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Tình trạng nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán, cháy rừng, mưa bão, lũ lụt... đã khiến nhiều quốc gia phải vật lộn tìm cách ứng phó và khắc phục những hậu quả nặng nề mà các hiện tượng thời tiết cực đoan này gây ra. Gần đây nhất là trận lũ quét thảm khốc ở Tây Ban Nha khiến hơn 200 người thiệt mạng. Trước đó không lâu, bão Helene - theo sau cơn bão Milton, với lốc xoáy, mưa lớn và ngập lụt - đã càn quét bang Florida của Mỹ, cướp đi nhiều sinh mạng và tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng.
Xu hướng thời trang "xanh" giảm thiểu tác động môi trường
Trong số 10 ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng nhất trên thế giới, có một thực tế khắc nghiệt là ngành thời trang đang gây ô nhiễm và tàn phá môi trường rất lớn. Mảng công nghiệp này là nguyên nhân chính gây ra phát thải khổng lồ khí hiệu ứng nhà kính.
Thống kê của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho thấy ngành công nghiệp thời trang nhanh tiêu thụ nước nhiều thứ 2 thế giới và chiếm từ 8 - 10% lượng khí carbon phát thải, nhiều hơn lượng phát thải từ các máy bay và tàu thủy cộng lại.
Trong đó, khoảng 93 tỷ m3 nước - đủ để đáp ứng nhu cầu của 5 triệu người - được ngành công nghiệp thời trang sử dụng hàng năm cho hoạt động sản xuất. Bên cạnh 80% năng lượng dùng trong ngành thời trang là cho việc sản xuất vải, người ta cũng cần lượng lớn nhiệt cho việc giặt, làm khô và nhuộm vải.
Một trong những nước sản xuất hàng dệt may hàng đầu thế giới là Ấn Độ, với số lượng rất lớn quần áo mới được bán ra thị trường mỗi năm. Tuy nhiên, nhận thức của người dân đang dần thay đổi khi nhiều người tiêu dùng Ấn Độ có xu hướng mua quần áo đã qua sử dụng để giảm thiểu tác động môi trường, trong khi nhiều hãng thời trang cũng ưu tiên dùng vải có nguồn gốc tự nhiên hay vải cũ tồn kho.
Nhiều nhà thiết kế thời trang hay nhãn hàng quần áo ở Ấn Độ đã không nằm ngoài xu hướng thời trang "xanh". Hiện nay, một số thương hiệu thời trang Ấn Độ cũng đang sử dụng các loại vải tự nhiên sản xuất từ sợi của thân và vỏ cây chuối hay lá dứa. Ưu điểm của các loại vải này là có thể phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường.
Nhiều nhà bảo vệ môi trường hy vọng những thay đổi nói trên từ người tiêu dùng và cả những thương hiệu thời trang sẽ giúp lan tỏa lối sống xanh đến ngày càng nhiều cộng đồng và doanh nghiệp ở Ấn Độ, từ đó dần dần hạn chế tác động của ngành thời trang đến môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!