Đi ngủ từ 10h đến 11h tối giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Quỳnh Chi (Theo Sky News)-Thứ hai, ngày 22/11/2021 10:33 GMT+7

Nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn ở những người ngủ sau nửa đêm. (Ảnh: Sky News)

VTV.vn - Kết quả của một nghiên cứu mới đã phát hiện ra, việc đi ngủ trong khoảng thời gian từ 10h đến 11h tối (22h đến 23h) có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tim.

Nghiên cứu cho thấy, so với việc ngủ trong khoảng thời gian từ 22h đến 22h59, nguy cơ mắc bệnh tim mạch nếu đi ngủ từ 23h đến 23h59 cao hơn 12% và nguy cơ khi đi ngủ trước 22h tăng 24%. Trong khi đó, nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 25% khi đi vào giấc ngủ lúc nửa đêm hoặc muộn hơn.

Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ David Plans thuộc Đại học Exeter cho biết: "Cơ thể có một đồng hồ sinh học trong 24 giờ, được gọi là nhịp sinh học, giúp điều chỉnh hoạt động thể chất và tinh thần. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, thời gian đi ngủ sớm hoặc muộn có nhiều khả năng làm rối loạn đồng hồ sinh học cơ thể, gây hậu quả bất lợi cho sức khỏe tim mạch".

Trong khi đó, theo kết quả phân tích sâu hơn liên quan đến giới tính, nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng cao hơn ở phụ nữ.

Tham gia nghiên cứu của Biobank (Anh) có 88.026 tình nguyện viên, được tuyển dụng từ năm 2006 đến năm 2010, độ tuổi trung bình là 61 tuổi, những người tham gia từ 43 đến 79 tuổi, trong đó 58% là phụ nữ.

Đi ngủ từ 10h đến 11h tối giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch - Ảnh 1.

Đi ngủ từ 22h đến 23h có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim. (Ảnh: Sky News)

Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về thời gian bắt đầu ngủ và thức dậy trong 7 ngày bằng một thiết bị đeo trên cổ tay. Những người tham gia đã hoàn thành bảng câu hỏi và đánh giá nhân khẩu học, lối sống, sức khỏe và thể chất. Sau đó, họ được theo dõi để có một chẩn đoán mới về bệnh tim mạch gồm nhồi máu cơ tim, suy tim, thiếu máu cơ tim mãn tính, đột quỵ và cơn thiếu máu não thoáng qua (giống như đột quỵ não cấp).

Trong thời gian theo dõi trung bình 5,7 năm, 3.172 người tham gia (chiếm 3,6%) phát triển bệnh tim mạch, theo nghiên cứu được công bố trên European Heart Journal - Digital Health, tạp chí của Hiệp hội Tim mạch châu Âu (ESC). Theo bài báo, con số này cao nhất ở những người có thời gian ngủ vào lúc nửa đêm hoặc muộn hơn và thấp nhất ở những người bắt đầu ngủ từ 22h đến 22h59.

Tiến sĩ Plans cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, thời gian tối ưu để đi ngủ là vào một thời điểm cụ thể trong chu kỳ 24 giờ của cơ thể và những sai lệch có thể gây hại cho sức khỏe. Thời gian rủi ro nhất là sau nửa đêm, có khả năng vì nó có thể làm giảm khả năng nhìn thấy ánh sáng ban mai, điều này sẽ đặt lại đồng hồ sinh học cơ thể".

Theo ông Plans, lý do cho mối liên hệ chặt chẽ giữa thời gian bắt đầu ngủ và bệnh tim mạch ở phụ nữ là không rõ ràng. "Có thể có sự khác biệt về giới tính trong cách hệ thống nội tiết phản ứng với sự gián đoạn trong nhịp sinh học", tiến sĩ Plan nói. "Ngoài ra, độ tuổi lớn hơn của những người tham gia nghiên cứu có thể là một yếu tố tác động vì nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ gia tăng sau thời gian mãn kinh".

Regina Giblin, y tá tim mạch cao cấp của Quỹ Tim mạch Anh, cho biết, trong khi cần nghiên cứu sâu hơn, người trưởng thành nên đặt mục tiêu ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm: "Nghiên cứu này cho thấy rằng, đi ngủ từ 22h đến 23h là điều tốt nhất cho mọi người nhằm giữ cho trái tim khỏe mạnh lâu dài. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là nghiên cứu này chỉ có thể chỉ ra mối liên hệ chứ không thể chứng minh nguyên nhân và kết quả".

Thời gian ngủ ảnh hưởng đến nhận thức của con người Thời gian ngủ ảnh hưởng đến nhận thức của con người

VTV.vn - Ngủ ít hơn 7 giờ hoặc nhiều hơn 9 giờ mỗi ngày có thể ảnh hưởng đến quá trình nhận thức của con người như trí nhớ thị giác và thời gian phản ứng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước