Từng là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, Indonesia nay trở thành tâm dịch mới của châu Á

An Ngọc (Theo CNN, The Guardian, Reuters, Channel News Asia)-Thứ sáu, ngày 23/07/2021 18:38 GMT+7

Indonesia hiện là tâm dịch COVID-19 của châu Á. (Ảnh: Reuters)

VTV.vn - Indonesia hiện là tâm dịch COVID-19 của châu Á, với số ca mắc mới và tử vong hàng ngày cao hơn cả Ấn Độ.

Trong thời điểm dịch bệnh năm ngoái, Indonesia đã kiểm soát khá tốt làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên. Thế nhưng giờ đây, đảo quốc vốn là nơi sinh sống của khoảng 270 triệu người, đã trở thành tâm dịch mới của châu Á. Với hàng chục nghìn ca lây nhiễm được ghi nhận mỗi ngày, các chuyên gia cho rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe của Indonesia có thể bị đẩy đến bờ vực thảm họa, nếu đà lây lan của virus không được ngăn chặn.

Nguyên nhân số ca mắc và tử vong do COVID-19 tăng mạnh tại Indonesia

Các trường hợp lây nhiễm bắt đầu gia tăng vào cuối tháng 5, sau kỳ nghỉ lễ Eid Al-Fitr đánh dấu sự kết thúc tháng ăn chay của người Hồi giáo - và nhanh chóng tăng theo cấp số nhân.

Theo các chuyên gia y tế, cuộc khủng hoảng trở nên nghiêm trọng hơn bởi sự lây lan của biến thể Delta được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ.

"Mỗi ngày chúng ta đều thấy biến thể Delta đưa Indonesia đến gần bờ vực của thảm họa COVID-19", là nhận định của trưởng phái đoàn Indonesia thuộc Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC).

Rất nhiều nguyên nhân đã được đem ra mổ xẻ, trong đó tập trung vào phản ứng chậm chạp của nhà chức trách khi không thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt như năm ngoái, thiếu đầu tư vào hệ thống kiểm tra và truy vết.

Theo trang Worldometers, tính đến ngày 23/7, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng hơn 3 triệu ca mắc và hơn 79.000 ca tử vong do COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại các số liệu này chưa đánh giá đúng mức độ lây lan thực sự, do tỷ lệ xét nghiệm còn thấp.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 7 cũng chỉ ra vấn đề này, khi hơn 50% số tỉnh tại Indonesia báo cáo tỷ lệ xét nghiệm dưới mức khuyến nghị. Báo cáo cho biết: "Nếu không xét nghiệm, nhiều tỉnh không thể cách ly kịp thời các ca mắc COVID-19."

Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cũng thừa nhận rằng, ban đầu nhà chức trách không nhận ra virus đã lây lan nhanh như thế nào trong đợt bùng phát dịch mới nhất này.

Từng là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, Indonesia nay trở thành tâm dịch mới của châu Á - Ảnh 1.

Tỷ lệ xét nghiệm ở Indonesia thuộc hàng thấp nhất thế giới. (Ảnh: Reuters)

Chuyên gia dịch tễ học Indonesia Dicky Budiman nhận định: "Chúng tôi đã bỏ sót quá nhiều ca và không xác định được có lẽ 80% số ca mắc là do lây nhiễm trong cộng đồng. Việc xét nghiệm ở Indonesia vẫn còn thụ động."

Indonesia là một trong những nước có hệ thống xét nghiệm yếu kém nhất thế giới. Kể từ đầu đại dịch, cứ 1.000 người mới có 55,89 xét nghiệm. Tỷ lệ này thấp hơn so với Ấn Độ, với 318,86 xét nghiệm/1.000 người.

Những khu vực nào của Indonesia bị ảnh hưởng?

Những hòn đảo đông dân nhất của Indonesia, Java và Sumatra, đã chứng kiến ​​số ca mắc COVID-19 tăng vọt trong đợt bùng phát dịch thứ 2 này.

Ở Kudus, miền Trung Java, các ca bệnh tăng gần 7.600% trong 4 tuần sau lễ Eid Al-Fitr.

Các bệnh viện trên khắp Java đang bị đẩy đến bờ vực và nguồn cung cấp oxy của nước này ở mức thấp một cách nguy hiểm, trong khi giá oxy tăng cao. Đầu tháng này, riêng tại một cơ sở y tế ở Java, đã có hơn 60 người tử vong do thiếu oxy.

Từng là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, Indonesia nay trở thành tâm dịch mới của châu Á - Ảnh 2.

Người dân xếp hàng tại một trạm bơm oxy ở Surabaya, Indonesia. (Ảnh: CNN)

Tại Jakarta, gần một nửa trong số 10,6 triệu cư dân thủ đô có thể đã mắc COVID-19, theo một khảo sát gần đây.

Tại tỉnh Riau, Sumatra, số ca mắc hằng ngày đã tăng gấp đôi từ đầu tháng 4 lên hơn 800 vào giữa tháng 5, trong khi tỷ lệ dương tính là 35,8% vào đầu tháng 6.

Còn theo WHO, xu hướng gia tăng số ca mắc COVID-19 ở hầu hết các tỉnh thuộc Sumatra đã xuất hiện kể từ tháng 4.

Ai bị ảnh hưởng bởi làn sóng COVID-19 thứ 2 tại Indonesia?

Theo các chuyên gia, làn sóng COVID-19 thứ 2 tại Indonesia ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là số trẻ em tử vong đã tăng gấp 4 lần trong những tuần gần đây.

Hơn 550 trẻ em đã tử vong từ đầu đại dịch, khoảng 27% trong số đó xảy ra vào những tuần đầu tháng 7.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhi khoa Indonesia, Aman B. Pulungan, các bậc cha mẹ thường nhầm lẫn các triệu chứng COVID-19 với cảm lạnh thông thường, do đó không đưa trẻ đi xét nghiệm.

"Lúc họ nhận ra đây là COVID-19 thì tình trạng đã trở nên tồi tệ. Khi họ đưa con đến bệnh viện, đôi khi chúng tôi không có đủ thời gian để cứu các cháu. Những chuyện thế này xảy ra rất nhiều." – ông Aman cho biết.


Từng là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, Indonesia nay trở thành tâm dịch mới của châu Á - Ảnh 3.

Hơn 550 trẻ em Indonesia đã tử vong do COVID-19 kể từ đầu đại dịch. (Ảnh: CNN)

Các nhân viên tuyến đầu cũng không tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm. Đầu tháng 7, hơn 350 bác sĩ và nhân viên y tế ở Java đã mắc COVID-19. Hầu hết không có triệu chứng và tự cách ly tại nhà, nhưng hàng chục người đã phải nhập viện trong tình trạng sốt cao và mức độ bão hòa oxy giảm.

Indonesia triển khai tiêm phòng như thế nào?

Indonesia chủ yếu dựa vào vaccine Sinovac trong chương trình tiêm chủng quốc gia, bắt đầu từ tháng 1. Các nhân viên y tế là nhóm đối tượng được tiêm phòng đầu tiên, tiếp đến là công chức và người dân.

Việc triển khai tiêm vaccine diễn ra còn chậm chạp. Tính đến ngày 20/7, Indonesia mới chỉ tiêm phòng đầy đủ cho 6% dân số.

Tại Jakarta, hơn 2 triệu người - tức khoảng 23% dân số thủ đô - đã được tiêm đủ liều.

Theo Gavi, tổ chức điều phối chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu, Indonesia đã nhận được hơn 11,7 triệu liều vaccine AstraZeneca thông qua COVAX. Nước này cũng đã nhận được hơn 4,5 triệu liều vaccine COVID-19 của Moderna do Mỹ tài trợ.

Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi cho biết, tất cả các nhân viên y tế sẽ được ưu tiên tiêm mũi vaccine thứ ba sử dụng công nghệ mRNA của Moderna, thêm vào đó vaccine này cũng được sử dụng như mũi thứ nhất và thứ hai cho người dân chưa được tiêm phòng.

Vào ngày 28/6, Indonesia đã mở đợt tiêm chủng vaccine Sinovac cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Từng là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, Indonesia nay trở thành tâm dịch mới của châu Á - Ảnh 4.

Hiện có 6% dân số Indonesia được tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh: Reuters)

Tin giả đe dọa cuộc chiến chống dịch tại Indonesia

Trong khi dịch bệnh đang lây nhiễm đáng ngại tại Indonesia, quốc gia này cũng phải đối mặt với một trở ngại lớn cũng đang lây lan nhanh không kém. Đó chính là tin giả.

Theo một báo cáo của UNICEF vào tháng 5, những tuyên bố sai sự thật trên mạng xã hội đã khiến một số người sợ hãi và lo lắng, dẫn đến việc do dự tiêm vaccine.

Một cuộc khảo sát trên toàn quốc do Bộ Thông tin và Truyền thông và Trung tâm Katadata Insight thực hiện năm ngoái cũng cho thấy 64-79% người được hỏi không thể nhận ra thông tin sai lệch trên mạng. Đa số cho biết họ chủ yếu tìm kiếm thông tin qua mạng xã hội.

Chuyên gia truyền thông của UNICEF, Rizky Syafitri, cho biết: "Vì COVID-19 là một căn bệnh mới nên ngay cả các chuyên gia vẫn đang tìm hiểu về nó. Do đó, nhiều người đã phải vật lộn tìm kiếm thông tin cập nhật nhất, tạo cơ hội cho một số cá nhân hưởng lợi bằng cách đưa ra những tuyên bố sai sự thật."

Các quốc gia khác đang hỗ trợ Indonesia như thế nào?

Ngoài Mỹ, một số quốc gia đã viện trợ vaccine và vật tư y tế để giúp đẩy lùi cuộc khủng hoảng COVID-19 ở Indonesia.

Vào ngày 1/7, Nhật Bản đã gửi gần 1 triệu liều vaccine AstraZeneca.

Ngày 7/7, Australia cho biết sẽ gửi một gói y tế để giúp Indonesia, trong đó có 8,8 triệu USD cho thiết bị y tế, bao gồm 1.000 máy thở, 700 máy tạo oxy và hơn 170 bình oxy. Canberra cũng đã gửi hơn 40.000 bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên nhanh và 2,5 triệu liều vaccine AstraZeneca.

Trong một tuyên bố ngày 20/7, Bộ Ngoại giao Singapore cho biết nước này đã thu xếp các chuyến hàng cung cấp oxy khẩn cấp thường xuyên tới Indonesia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước