Cháy rừng, bão lũ làm ít nhất 3.500 người chết, hơn 13,5 triệu người mất nhà cửa
Nếu như những đám cháy rừng quy mô lớn đã khiến Australia phải trải qua một "mùa hè đen", thì những đám cháy hồi tháng 9 tại San Francisco và các khu vực khác ở West Coast (Mỹ) đã "nhuộm cam" bầu trời nơi đây, biến bang này thành hỏa ngục lớn chưa từng có.
Năm 2020 cũng là năm phá kỷ lục số cơn bão được đặt tên. Tháng trước, hai cơn bão lớn đã tàn phá Trung Mỹ, khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Số tiền bảo hiểm phải chi trả cho 10 thảm họa tự nhiên gây nhiều thiệt hại nhất trong năm 2020 lên tới 150 tỷ USD. Đây là con số vừa được Tổ chức phi chính phủ Christian Aid (Anh) công bố trong bản Báo cáo thường niên mang tên "Đánh giá thiệt hại của năm 2020: Một năm của sự đổ vỡ khí hậu". Báo cáo đã điểm lại hậu quả của các thảm họa tự nhiên trong năm qua từ những trận cháy rừng mất kiểm soát ở Australia hồi tháng 1 cho đến các cơn bão ở Đại Tây Dương từ đầu năm đến hết tháng 11.
Theo bản báo cáo thì thiên tai như cháy rừng, bão lũ đã làm ít nhất 3.500 người chết và khiến hơn 13,5 triệu người mất nhà cửa. Mức thiệt hại do thiên tai trong năm nay trên thực tế còn cao hơn các con số thống kê do phần lớn thiệt hại không được bảo hiểm.
Không có gì là bất ngờ khi những quốc gia nghèo chịu thiệt hại nặng nề nhất. Ở các quốc gia này, các công ty bảo hiểm chỉ chi trả 4% thiệt hại về kinh tế từ các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra, trong khi tỷ lệ này ở các quốc gia thu nhập cao là 60%.
Mưa lớn gây ngập úng nghiêm trọng nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Việt Nam (Ảnh chụp ngày 18/10). Nguồn: Báo Nhân dân
Theo các chuyên gia môi trường, con người đang phải hứng chịu các thiên tai cực đoan do tình trạng ấm lên toàn cầu. Năm 2020 có tới 30 cơn bão trên biển Đại Tây Dương được đặt tên - nhiều nhất từ trước đến nay, gây thiệt hại 41 tỷ USD và khiến ít nhất 400 người thiệt mạng.
Các trận siêu bão, hay cuồng phong và lốc xoáy giờ đây có thể mạnh hơn, kéo dài lâu hơn, mang theo nhiều nước hơn và tác động sâu rộng hơn so với cấp độ của chúng.
Theo đại diện của Christian Aid, bão lũ khắp nơi cho thấy biến đổi khí hậu tiếp tục trong tình trạng báo động.
2021 có thể là năm khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất
Năm 2020 đúng là một năm đáng quên. Dịch bệnh COVID-19 hoành hành, gây nên một cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có tiền lệ. Thiên tai, thời thiết khắc nghiệt lại dồn dập, kéo theo những thiệt hại kỷ lục.
Hậu quả của nó chắc chắn sẽ kéo dài sang năm 2021 và nhiều năm sau đó. Chương trình lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc - tổ chức vừa được trao giải thưởng Nobel Hòa bình, thậm chí còn đưa ra một cảnh báo bi quan: Năm 2021 sẽ trở thành năm khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ khi Liên Hợp Quốc được thành lập.
Bốn năm qua, số người trên bờ vực chết đói đã tăng từ 80 triệu lên 135 triệu chủ yếu do các cuộc xung đột vũ trang, nhưng chỉ trong 1 năm 2020 này, do COVID-19, số người đối mặt nguy cơ chết đói tăng gấp đôi, từ 135 triệu lên 270 triệu. Khó khăn do thiên tai, thời tiết khắc nghiệt cộng dồn càng làm tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Theo WHO, kể từ khi bùng phát hồi cuối tháng 12/2019, dịch COVID-19 đã lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới.
Ông David Beasley - Người đứng đầu Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết: "Năm 2021 có thể là năm khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ khi thành lập Liên Hợp Quốc. Chúng ta không thể giải quyết được hết các vấn đề, vì vậy cần phải lựa chọn vấn đề ưu tiên để giải quyết như nạn đói, bất ổn và di cư. Nếu chúng ta có chiến lược và dồn tiền cho những vấn đề ưu tiên này trước, tôi tin rằng chúng ta có thể vượt qua năm 2021 với việc sở hữu vaccine ngừa COVID-19, xây dựng lại nền kinh tế và đạt được mục tiêu không còn nạn đói vào năm 2030".
Theo thống kê, cứ 33 người trên thế giới thì có 1 người cần được viện trợ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản về lương thực, nước sạch trong năm 2021. Nếu tất cả những người cần viện trợ nhân đạo trong năm tới sống trong một nước thì đây sẽ là quốc gia đông dân thứ 5 trên thế giới.
Thế nhưng, ngân sách viện trợ nhân đạo đang thiếu hụt trầm trọng do tác động ngày càng tàn khốc của đại dịch. Năm 2020, các quốc gia đã chi tới 17 tỷ USD cho hoạt động nhân đạo tập thể. Tuy nhiên, khoản viện trợ này chưa bằng một nửa nhu cầu thực tế là 35 tỷ USD.
Thiên tai, dịch bệnh vẫn đang là mối lo ngại thường trực trong năm 2021 sắp tới. Ngoài thách thức kiểm soát dịch bệnh, thế giới sẽ còn phải đối mặt với thách thức về sớm phục hồi, tránh để những thảm họa nhân đạo có thể lan rộng, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!