Đức từ chối cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine

Ban Thời sự/TTXVN-Thứ sáu, ngày 26/04/2024 06:32 GMT+7

(Ảnh: European Defense Review Magazine)

VTV.vn - Thủ tướng Đức Olaf Scholz một lần nữa từ chối cung cấp các tên lửa hành trình Taurus của nước này cho Ukraine.

Tuyên bố của Thủ tướng Đức Olaf Scholz được đưa ra  trong bối cảnh Mỹ và Anh thông báo sẽ chuyển các loại vũ khí mới nhất cho Ukraine.

Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh Rishi Sunak ở Berlin vào ngày 24/4, ông Olaf Scholz tái khẳng định rằng Đức sẽ không thay đổi quan điểm về việc cung cấp hệ thống tên lửa tầm xa Taurus cho Kiev bất chấp sức ép từ các đồng minh trong khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng với các nhà lãnh đạo phe đối lập tại Đức.

Thủ tướng Scholz nêu rõ đến nay Berlin đã chi 28 tỷ Euro (30 tỷ USD) để hỗ trợ Kiev các hệ thống phòng không, xe tăng và đạn dược, nhưng không có ý định chuyển các hệ thống tên lửa Taurus cho quốc gia Đông Âu này.

Ông Scholz đã nhiều lần tuyên bố rằng các binh sỹ Đức cần phải có mặt ở Ukraine để đảm bảo hệ thống này được sử dụng một cách có trách nhiệm. Thủ tướng cũng bày tỏ lo ngại rằng việc trang bị tên lửa Taurus cho Kiev sẽ đánh dấu bước leo thang quá lớn trong cuộc xung đột.

Taurus (hay Taurus KEPD-350) là tên lửa hành trình phóng từ trên không do công ty liên doanh Đức - Thụy Điển Taurus Systems GmbH sản xuất và đang được sử dụng trong quân đội của Đức, Tây Ban Nha và Hàn Quốc. Tên lửa Taurus có trọng lượng khoảng 1.400 kg, mang đầu đạn nặng 480 kg, tầm bắn 500 km.

Cũng trong ngày 24/4, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel xác nhận Washington đã chuyển giao cho Kiev các Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa để sử dụng trong lãnh thổ Ukraine. Tên lửa đã được đưa tới quốc gia Đông Âu trong tháng này.

Phát biểu trước báo giới, ông Patel khẳng định "Mỹ đã cung cấp cho Ukraine tên lửa ATACMS tầm xa theo chỉ thị trực tiếp của Tổng thống (Joe Biden)".

Theo phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, tên lửa ATACMS tầm xa là một phần trong gói viện trợ quân sự trị giá 300 triệu USD của Washington dành cho Kiev được công bố hôm 12/3 vừa qua, nhưng "chúng tôi không thể công bố quyết định này ngay từ đầu để đảm bảo an ninh tác chiến cho Ukraine theo yêu cầu của họ".

Lời xác nhận của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra cùng ngày với sự kiện Tổng thống Biden ký ban hành luật cung cấp viện trợ mới trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine.

Ngay sau sự kiện này, Lầu Năm Góc đã nhanh chóng công bố gói viện trợ 1 tỷ USD dành cho Kiev, trong đó chú trọng tới nhu cầu cấp thiết về đạn phòng không và đạn pháo của Ukraine.

Thượng viện Mỹ thông qua gói viện trợ bổ sung trị giá 95 tỉ USD Thượng viện Mỹ thông qua gói viện trợ bổ sung trị giá 95 tỉ USD Tổng thống Joe Biden ký ban hành luật viện trợ gần 61 tỷ USD cho Ukraine Tổng thống Joe Biden ký ban hành luật viện trợ gần 61 tỷ USD cho Ukraine Đức cung cấp thêm hệ thống tên lửa Patriot cho Ukraine Đức cung cấp thêm hệ thống tên lửa Patriot cho Ukraine

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước