Trong tuyên bố, các chính phủ và tổ chức nêu trên đã báo động về “những tác động toàn cầu về an ninh lương thực” do cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine gây ra, đồng thời nhấn mạnh “tính cấp thiết và tầm quan trọng của việc duy trì thương mại và các thị trường nông sản rộng mở, có thể đoán định”.
Theo tuyên bố, điều này sẽ giúp “bảo đảm dòng chảy liên tục của thực phẩm, cũng như các sản phẩm, dịch vụ và đầu vào thiết yếu cho sản xuất và cung ứng nông sản, thực phẩm”.
Các nước cam kết sẽ cùng phối hợp để giúp đảm bảo lương thực và các thực phẩm dinh dưỡng luôn đầy đủ, an toàn, với giá cả phải chăng và dễ dàng tiếp cận mọi lúc mọi nơi.
Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng cam kết không áp đặt những biện pháp hạn chế thương mại phi lý đối với nông sản và thực phẩm bởi các hạn chế này có thể làm gia tăng sự bất ổn và có thể dẫn đến một vòng xoáy tăng giá.
Người dân chờ được cấp phát khẩu phần lương thực tại một khu trại ở ngoại ô Maiduguri, Đông Bắc Nigeria. (Ảnh: Reuters)
Tuyên bố cho rằng, bất cứ biện pháp nào mà các quốc gia đưa ra để giảm thiểu những tác động của an ninh lương thực phải "ít gây xáo trộn nhất có thể" và phải tuân theo các quy định của WTO, qua đó "tạo điều kiện cho các thị trường và dòng chảy thực phẩm hoạt động hiệu quả nhất có thể".
Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng không nên áp đặt các lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu đối với thực phẩm do Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc mua để phục vụ các mục đích nhân đạo.
Trước đó, Liên Hợp Quốc từng cảnh báo, căng thẳng ở Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng an ninh lương thực vốn đã ngày càng sâu sắc ở nhiều quốc gia.
Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu và dầu hướng dương hàng đầu thế giới. Ngoài ra, Nga còn là nhà cung cấp phân bón và khí đốt lớn nhất toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!