Đây là lời kêu gọi trong báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) công bố ngày 14/10.
Theo báo cáo "Tình hình Lương thực và Nông nghiệp năm 2019" (SOFA) được công bố tại trụ sở của FAO ở Rome (Italy), trung bình trên toàn cầu có khoảng 14% thực phẩm bị vứt bỏ lãng phí. Ước tính mới này đã tính đến các giai đoạn khác nhau trong chuỗi cung ứng từ khâu thu hoạch, trừ khâu bán lẻ và tiêu thụ.
FAO chỉ rõ mức độ lãng phí thực phẩm rất khác nhau giữa các khu vực đối với cùng các nhóm hàng hóa và các khâu trong chuỗi cung ứng. Theo đó, các khu vực Trung và Nam Á có tỷ lệ lãng phí thực phẩm cao nhất với 20,7%, tiếp theo là Bắc Mỹ và châu Âu (15,7%), sau đó đến khu vực châu Phi Nam Sahara (14%).
Theo báo cáo, do một số sản phẩm dễ hỏng hơn những sản phẩm khác nên việc vứt bỏ thực phẩm không được ghi nhận một cách cân bằng trong các chuỗi thực phẩm khác nhau. Nhóm thực phẩm bị vứt bỏ nhiều nhất là các cây có củ, cây chứa dầu (25,3%), tiếp đến là trái cây và rau xanh (21,6%). Trong khi đó, nhóm thực phẩm ít bị vứt bỏ hơn là thịt và các sản phẩm động vật (11,9%), nhóm ngũ cốc và đậu hạt (8,6%).
Báo cáo còn cung cấp thêm những thông tin chi tiết về địa điểm, cách thức và nguyên nhân xảy ra tình trạng lãng phí thực phẩm trong các khâu khác nhau của chuỗi cung ứng, đồng thời nhấn mạnh rằng việc phân tích kỹ lưỡng là cần thiết để xác định các điểm mấu chốt của tình trạng lãng phí thực phẩm cũng như những biện pháp thích hợp nhất để giảm thiểu tình trạng này.
Tổng giám đốc FAO, ông Qu Dongyu nêu rõ các nỗ lực nhằm giảm thiểu lãng phí thực phẩm chỉ thực sự hiệu quả khi toàn nhân loại nhận thức được vấn đề. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh lãng phí thực phẩm là vấn đề không chỉ liên quan tới an ninh lương thực mà còn liên quan tới môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!