Gần 1/3 diện tích đất trồng trọt, chăn nuôi trên thế giới không còn thích hợp để sản xuất lương thực

Quỳnh Chi (Theo MSN)-Thứ tư, ngày 02/03/2022 08:46 GMT+7

Cư dân lấy nước từ một tàu chở nước ở Graaff-Reinet, thị trấn ở tỉnh Đông Cape của Nam Phi, bị hạn hán. (Ảnh: Reuters)

VTV.vn - Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, gần 1/3 diện tích đất trồng trọt và chăn nuôi trên thế giới sẽ không còn thích hợp để sản xuất lương thực.

Tình trạng mất mùa và gia súc chết vì nhiệt độ tăng cao chỉ là một vài trong số những thảm họa có thể xảy ra với hệ thống lương thực của thế giới vào năm 2050 khi Trái đất ấm lên. Những kịch bản như vậy sẽ dẫn đến giá cả cao hơn và khiến thêm 80 triệu người có nguy cơ bị thiếu đói.

Rachel Bezner Kerr, tác giả chính của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) và là nhà nghiên cứu phát triển toàn cầu tại Đại học Cornell, cho biết: "Tương lai có vẻ đen tối nếu chúng ta không hành động. Sẽ không có vùng nào thoát khỏi bị ảnh hưởng".

Các nhà khoa học cho biết, những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu sẽ bắt đầu bộc lộ nếu nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 1,5°C (2,7 độ F) so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Sau khi đã ấm lên 1,1°C, Trái đất dự kiến ​​sẽ chạm ngưỡng tăng 1,5°C trong vòng 2 thập kỷ.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc được công bố vào ngày 28/2 đã xem xét một cách tổng thể nhiều hậu quả của biến đổi khí hậu, từ những thành phố không thể sống được cho đến các nền kinh tế đang thu hẹp. Trong đó, triển vọng về nguồn cung cấp lương thực trong tương lai là đặc biệt nghiêm trọng.

Sản lượng lương thực toàn cầu vẫn đang tăng nhưng không nhanh như trước đây. Báo cáo cho biết, biến đổi khí hậu đã hạn chế tăng trưởng sản xuất khoảng 21% trong 6 thập kỷ qua, vào thời điểm nhu cầu đang tăng lên cùng với dân số ngày càng tăng.

Mưa lớn, nhiệt độ cao, chất lượng đất kém hơn, sự gia tăng của các loài gây hại như cào cào và giảm các loài thụ phấn hữu ích như ong sẽ khiến nguồn cung cấp ngũ cốc bị đình trệ. Năng suất ngô, gạo và lúa mì dự kiến ​​sẽ giảm 10% đến 25% cho mỗi mức độ ấm lên.

Các trang trại cũng có thể bị thiếu hụt lao động lớn vào năm 2100, với 250 ngày mỗi năm không thể hoạt động được ở một số vùng trừ khi tình trạng biến đổi khí hậu được kiềm chế.

Gần 1/3 diện tích đất trồng trọt, chăn nuôi trên thế giới không còn thích hợp để sản xuất lương thực - Ảnh 1.

Mùa thu hoạch đậu tương và ngô ở bang Ohio, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Báo cáo cho biết, các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới sẽ bị thiệt hại lên tới 22 tỷ USD mỗi năm trong ngành công nghiệp sữa và 38 tỷ USD ở ngành sản xuất thịt bò vào năm 2100 khi căng thẳng nhiệt làm giảm dần các đàn gia súc.

Các khu vực nóng hoặc ẩm ướt, bao gồm cả lưu vực Sahel, Amazon và Đông Nam Á, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Rodel Lasco, một tác giả IPCC và là nhà khoa học của Ủy ban Biến đổi Khí hậu của nước này cho biết: "Sống ở Philippines, tôi đã thấy bão nhiệt đới, lũ lụt và hạn hán có thể dẫn đến tình trạng thiếu thực phẩm nghiêm trọng như thế nào. Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất thường sống ở các khu vực nghèo nhất trong xã hội".

Các tác động không chỉ giới hạn trên đất liền. Sóng nhiệt trên biển, đại dương axit hóa, nước mặn ngấm vào những khu vực nước ngọt và tảo có hại nở hoa đang gây thiệt hại cho cá và các loại hải sản khác.

Cá hiện chiếm khoảng 17% lượng thịt tiêu thụ toàn cầu và dự kiến ​​sẽ tăng lên. Tuy nhiên, sản lượng thủy sản toàn cầu đã giảm 4,1% do biến đổi khí hậu từ năm 1930 đến năm 2010, báo cáo của IPCC cho biết, trong đó ở một số khu vực như Biển Bắc và bờ biển Iberia, mức thiệt hại lên tới 35%. Khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng, xu hướng đó dự kiến ​​sẽ tiếp tục diễn ra.

Khi năng suất lương thực giảm, việc cung cấp lương thực thực phẩm cho thế giới sẽ trở nên khó khăn hơn.

Olivier De Schutter, đồng Chủ tịch Hội đồng chuyên gia quốc tế về hệ thống lương thực bền vững cho biết: "Khi các chính phủ được cảnh báo rằng cây trồng đang gặp rủi ro, họ thường chuyển sang "cách mạng xanh" với các kỹ thuật sử dụng phân bón, máy móc và các cây trồng độc canh lớn để thúc đẩy sản xuất. Nhưng đó rõ ràng không phải là con đường bền vững trong tương lai".

Báo cáo nêu bật các phương pháp canh tác song hành với tự nhiên để mở rộng quy mô sản xuất, chẳng hạn như sử dụng nông lâm kết hợp, thực hành trồng trọt giữa các loại cây, hoặc vườn cộng đồng. Việc thay đổi chế độ ăn không sử dụng thịt và sữa cũng sẽ tạo ra sự khác biệt tích cực.

Tuy nhiên, việc ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu vẫn là biện pháp căn bản. "Nếu hành tinh tiếp tục ấm lên trên 2°C, sự đánh đổi sẽ nghiêm trọng hơn", ông Lasco nói.

Biến đổi khí hậu - 'Thủ phạm' gián tiếp dẫn tới lạm phát giá lương thực Biến đổi khí hậu - "Thủ phạm" gián tiếp dẫn tới lạm phát giá lương thực Gần 8 triệu người ở Trung Mỹ sống trong cảnh thiếu đói do COVID-19 và  biến đổi khí hậu cực đoan Gần 8 triệu người ở Trung Mỹ sống trong cảnh thiếu đói do COVID-19 và biến đổi khí hậu cực đoan Biến đổi khí hậu đẩy tình trạng đói nghèo lên mức báo động Biến đổi khí hậu đẩy tình trạng đói nghèo lên mức báo động

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước