Hơn 511,18 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 82,81 triệu ca mắc và hơn 1,019 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 22.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo thống kê của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố vào ngày 26/4, đến tháng 2/2022, 58% dân số Mỹ (tương đương khoảng hơn 190 triệu người) đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Khảo sát về kháng thể của CDC Mỹ cho thấy, số ca mắc trên cao hơn nhiều so với con số 80 triệu ca mắc được thống kê chính thức bởi nhiều ca mắc không thông báo hoặc không xét nghiệm hoặc không triệu chứng. CDC chỉ xét nghiệm mức độ kháng thể được sản sinh ra từ quá trình lây nhiễm chứ không phải do tiêm vaccine. CDC cho biết, khoảng 75% người dân Mỹ dưới 18 tuổi đã mắc COVID-19.
Nước Mỹ đã chứng kiến làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra trong mùa đông vừa qua, đặc biệt là số ca mắc ở trẻ em tăng. Các quan chức y tế Mỹ cho biết, số ca lây nhiễm COVID-19 đã gia tăng trong một số khu vực ở Mỹ do biến thể phụ BA.2 của Omicron có tốc độ lây lan nhanh.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 27/4, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,06 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 522.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 662.900 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,37 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Liên minh châu Âu đã thoát khỏi giai đoạn khẩn cấp của đại dịch COVID-19 và bước vào một giai đoạn mới. Tuyên bố trên dự kiến sẽ được Ủy ban châu Âu đưa ra vào ngày 27/4. Theo dự thảo của Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến được công bố và thông qua trong ngày 27/4, cột mốc này đạt được sau khi tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong do đại dịch ở Liên minh châu Âu (EU) giảm dần do sự lây lan của biến thể Omicron, ít độc lực hơn biến thể trước đó.
Cùng với đó là nhờ khả năng miễn dịch của hơn 70% dân số châu Âu, trong đó một nửa đã được tiêm mũi tăng cường. Brussels ưu tiên một cách tiếp cận "tránh tình trạng khẩn cấp, hướng tới một phương thức quản lý đại dịch khả thi hơn".
Các chuyên gia y tế cộng đồng tại New Zealand đã kêu gọi tăng cường xét nghiệm PCR, thay vì chỉ xét nghiệm nhanh kháng nguyên (RATs) để phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như biến thể XE (một biến thể tái tổ hợp giữa biến thể phụ BA.1 và BA.2 của Omicron). Nước này vừa phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể XE là người nhập cảnh.
Phát biểu với báo giới, chuyên gia Michael Baker cảnh báo rằng, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước có thể thay đổi với các biến thể mới xuất hiện dù không phải tất cả các ca mắc mới đều sẽ là do biến thể Omicron. Theo ông, tình hình dịch tễ sẽ phức tạp hơn khi ngày càng có nhiều người nhập cảnh vào cuối năm nay, khi biên giới được mở cửa hoàn toàn trở lại.
Trong khi đó, chuyên gia dịch tễ Arindam Basu nêu rõ, New Zealand chưa chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm biến thể mới nhờ tỷ lệ tiêm phòng vaccine cao. Hiện hơn 72% dân số đủ điều kiện tiêm chủng ở nước này đã tiêm đủ 3 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Đan Mạch thông báo sẽ tạm dừng chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng vào giữa tháng 5 tới. Đánh giá tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát và mức độ bao phủ tiêm chủng cao, Cơ quan Y tế Đan Mạch cho rằng, đất nước đang trong "vị thế tốt". Do đó, người đứng đầu cơ quan quản lý các bệnh truyền nhiễm Đan Mạch Bolette Soborg cho biết, nước này sẽ rút ngắn chương trình tiêm chủng đại trà. Tuy nhiên, bà Soborg cũng lưu ý, Chính phủ có kế hoạch nối lại chương trình tiêm chủng vào mùa thu. Kế hoạch này sẽ được thực hiện dựa trên công tác đánh giá chuyên môn kỹ lưỡng về đối tượng, thời gian và loại vaccine được sử dụng cho chương trình tiêm chủng.
Người dân đi tiêm vaccine COVID-19 ở in Auckland, New Zealand. (Ảnh: AP)
Khi đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra hồi tháng 11/2021, Đan Mạch đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, khuyến khích người dân tiêm mũi vaccine tăng cường và triển khai tiêm mũi thứ 4 cho những người dễ bị tổn thương nhất vào giữa tháng 1. Tới nay, khoảng 81% trong số 5,8 triệu người dân của Đan Mạch đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và 61,6% người dân đã tiêm mũi tăng cường. Thời gian gần đây, Đan Mạch ghi nhận số ca mắc mới giảm và tỷ lệ nhập viện ổn định.
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 và khẳng định đại dịch gần như đã biến mất ở quốc gia này. Phát biểu tại cuộc họp báo, nhà lãnh đạo Mexico cho biết số, ca mắc và tử vong do COVID-19 tại quốc gia này ngày càng giảm, do đó mặc dù vẫn tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan đến đại dịch nhưng Mexico sẽ chuyển sang tập trung vào tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia.
Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Y tế Mexico Hugo Lopez-Gatell cho biết, nước này đã trải qua 4 đỉnh dịch. Và trong 3 tháng qua, dịch bệnh đã thuyên giảm mà không xuất hiện thêm biến thể nào của virus SARS-CoV-2. Ông Lopez-Gatell cũng tuyên bố, từ ngày 28/4 tới, người dân sẽ bắt đầu đăng ký tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi. Mexico đã tiêm gần 200 triệu liều vaccine cho 85,8 triệu người, tương đương tỷ lệ bao phủ 87% ở nhóm dân số từ 14 tuổi trở lên.
Ngày 27/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin tổ chức họp báo về những quy định mới trong phòng chống dịch COVID-19. Những quy định này được dựa trên 3 tiêu chí: đeo khẩu trang, quét mã truy vết QR và xét nghiệm COVID-19. Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Khairy cho biết sẽ dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại những điểm công cộng ngoài trời. Tuy nhiên, đây vẫn là yêu cầu bắt buộc tại các điểm công cộng như sân bay, xe buýt, nhà thờ, lớp học…
Ngoài ra, cơ quan y tế vẫn khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi tham dự các sự kiện đông người để đảm bảo an toàn, hạn chế sự lây lan của virus gây bệnh COVID-19. Nhóm có nguy cơ cao như người cao tuổi, những người có bệnh lý nền, chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 và trẻ em tiếp tục phải sử dụng khẩu trang tại những nơi công cộng.
Từ ngày 1/5 tới, Malaysia sẽ tiếp tục nới lỏng một loạt các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19. Việc khai báo y tế thông qua ứng dụng Mysejahtera sẽ không còn cần thiết nữa. Hiện Malaysia vẫn áp dụng quy định cách ly 7 ngày với người dương tính COVID-19. Du khách quốc tế tới Malaysia cũng không còn phải xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành và khi nhập cảnh.
Theo số liệu của Bộ Y tế Malaysia công bố ngày 25/4, Malaysia chỉ ghi nhận 2.342 ca nhiễm mới COVID-19 - mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1/2022, trong đó 98,71% ở mức độ bệnh nhẹ. Đến nay, Malaysia có tổng cộng trên 4,43 triệu người nhiễm bệnh, bao gồm 35.520 ca tử vong vì COVID-19.
Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào cho biết đã tổ chức cuộc họp thảo luận về điều kiện và biện pháp liên quan đến việc mở cửa hoàn toàn đất nước kể từ đầu tháng 5. Các thủ tục cho phép du khách nhập cảnh sẽ giống như trước khi có dịch COVID-19 và bổ sung thêm giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, có xác nhận xét nghiệm âm tính trước khi nhập cảnh để không phải cách ly y tế. Đây là một trong những chính sách thu hút khách du lịch đến Lào, góp phần giải quyết khó khăn kinh tế quốc gia, tạo thêm việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân địa phương sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch COVID-19.
Việc mở cửa đón du khách trở lại được kỳ vọng giúp Lào cải thiện đáng kể nguồn thu nhập trong bối cảnh đất nước đang có nhu cầu ngoại hối lớn để phục vụ phát triển kinh tế.
Chính quyền Hàn Quốc đã "Lộ trình 100 ngày đối phó khẩn cấp với dịch COVID-19". (Ảnh: AP)
Chủ tịch Ủy ban chuyển tiếp của chính phủ mới ở Hàn Quốc, ông Ahn Cheol-soo ngày 27/4 đã công bố "Lộ trình 100 ngày đối phó khẩn cấp với dịch COVID-19". Phát biểu với báo giới, ông Ahn Cheol-soo cho biết, lộ trình 100 ngày bắt đầu tính từ sau khi Chính phủ mới ra mắt ngày 10/5 cho tới tháng 8 năm nay. Nhiều chuyên gia đang dự báo về khả năng xuất hiện biến thể mới, làm dịch bệnh tái bùng phát mạnh. Do vậy, Chính phủ Hàn Quốc cần xây dựng chương trình để sẵn sàng đối phó.
Lộ trình 100 ngày bao gồm 4 phương hướng triển khai và 34 biện pháp cụ thể. Ủy ban chuyển tiếp chia các biện pháp thực hiện thành các giai đoạn, gồm 30 ngày, 50 ngày và 100 ngày sau khi Chính phủ mới ra mắt.
Số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc hiện tiếp tục xu hướng giảm. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tính đến ngày 27/4 là 76.787 người, nâng tổng số ca mắc từ đầu mùa dịch đến nay lên trên 17,08 triệu trường hợp. Tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Hàn Quốc là 22.466 người.
Ngày 27/4, hàng triệu người ở Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc đã thực hiện lần xét nghiệm COVID-19 thứ hai trong tuần này. Việc xét nghiệm hàng loạt tại Bắc Kinh diễn ra khi chính quyền thủ đô Trung Quốc đang nỗ lực tránh khỏi vòng xoáy khủng hoảng như trong đợt bùng phát dịch hiện nay ở Thượng Hải, khiến thành phố với hơn 25 triệu dân này bị phong tỏa trong nhiều tuần qua. Tổng cộng 20 triệu người trong tổng số khoảng 22 triệu dân của Bắc Kinh sẽ được xét nghiệm 3 lần trong tuần này.
Cơ quan quản lý sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc đã cho phép thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine ngừa COVID-19 sử dụng công nghệ virus bất hoạt để chống lại biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Vaccine trên, do Tập đoàn dược phẩm Biotec của Trung Quốc liên kết Tập đoàn dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) phát triển, đã được nghiên cứu từ tháng 12/2021. Các thử nghiệm sơ bộ, như đánh giá độ an toàn trên động vật và nghiên cứu tính sinh miễn dịch, cho thấy, vaccine này có thể tạo ra lượng kháng thể trung hòa cao chống lại các biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2, bao gồm cả Omicron.
Trước đó, hai loại vaccine của Trung Quốc được sử dụng rộng rãi gồm vaccine CoronaVac của Sinovac và vaccine Vero Cell của Sinopharm cũng được phát triển dựa trên công nghệ virus bất hoạt.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros đã kêu gọi các quốc gia duy trì giám sát các ca mắc COVID-19, cho rằng thế giới đang "xem nhẹ" cách thức virus lây lan do tỷ lệ xét nghiệm giảm.
Người đứng đầu WHO nêu rõ, trong tuần qua, WHO nhận được báo cáo về hơn 15.000 ca bệnh không qua khỏi do COVID-19. Dù đây là mức giảm theo tuần thấp nhất kể từ hơn 1 năm qua nhưng nếu nhiều nước giảm xét nghiệm, WHO sẽ nhận được ít thông tin về cách thức lây lan và giải trình tự. Điều này khiến thế giới ngày càng khó nắm bắt được các mô hình lây truyền và tiến hóa của virus.
Tổng Giám đốc WHO cảnh báo, virus SARS-CoV-2 chưa biến mất. Loại virus này vẫn đang lây lan, biến đổi và gây ra các ca tử vong. Mối đe dọa về một biến thể mới nguy hiểm là hiện hữu và dù số ca tử vong giảm, con người vẫn chưa hiểu rõ hết những hậu quả về lâu dài đối với những người đã khỏi bệnh này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!