Lượng mưa kỷ lục đã biến nhiều đường phố ở New York ngập trong nước, khiến giao thông hỗn loạn. Một số tuyến tàu điện ngầm của thành phố đông dân nhất nước Mỹ đã phải tạm dừng hoạt động.
Bà Seonaid Richmond: "Tôi lạc đường mất rồi. Thật khủng khiếp. Tôi còn chẳng biết mình đang đi đâu, bởi vì tôi đã quen bắt một chuyến tàu cố định và giờ thì tàu bị hoãn. Chẳng biết phải chờ đến bao giờ. Thật tệ hại".
Trước áp lực từ trận lụt này, Thống đốc bang New York Kathy Hochul tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với TP New York gồm 8,5 triệu dân và các vùng ngoại ô đông đúc dân cư của thành phố, bao gồm Long Island ở phía đông và thung lũng sông Hudson ở phía bắc.
Bà Kathy Hochul - Thống đốc bang New York: "Chúng ta đều biết đây là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thật không may, đây là chuyện mà chúng ta sẽ phải xem như một điều bình thường mới, nó khiến chúng ta phải chuẩn bị kỹ càng hơn. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tập trung vào việc khắc phục, ngăn chặn những tác động khủng khiếp có thể xảy đến nếu chúng ta không sẵn sàng cho những cơn bão tiếp theo".
Ngập lụt khi mưa lớn liên tục không chỉ là vấn đề của riêng New York. Hong Kong (Trung Quốc) - đô thị gồm 7,5 triệu dân, gần như bị tê liệt hoàn toàn vào đầu tháng trước, khi lũ quét ập xuống các trạm xe điện, biến đường phố thành biển nước. Chính quyền đặc khu phải tạm thời đóng cửa các trường học và thúc giục người dân đến chỗ cao chờ nước rút.
Đài thiên văn Hong Kong cho biết, chỉ trong vòng một giờ trước nửa đêm 8/9, thành phố hứng chịu lượng mưa 15,8 cm. Đây là lượng mưa theo giờ cao nhất kể từ khi số liệu được thu thập vào năm 1884, tức là khoảng 140 năm qua.
Cuối tuần trước, thành phố Hà Nội cũng chứng kiến cảnh giao thông tắc nghẽn, nước ngập hàng chục cm trên nhiều tuyến phố do mưa lớn liên tiếp hai ngày. Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, lưu lượng mưa trên dưới 100 mm/giờ đã vượt gấp đôi công suất thiết kế của hệ thống thoát nước thành phố, gây tình trạng ngập lụt.
Theo các nhà khoa học khí quyển, ngập lụt đô thị là biểu hiện của biến đổi khí hậu. Cụ thể, một vùng không khí ấm hơn hoạt động như một miếng bọt biển khổng lồ, đủ sức hấp thụ thật nhiều hơi nước trước khi trút mưa xuống một khu vực với tốc độ như vũ bão. Và với việc Trái đất nóng lên, lượng mưa cực lớn sẽ xảy ra thường xuyên hơn.
New York tăng đầu tư cho kế hoạch phòng lụt
Thành phố New York của Mỹ với trung tâm tài chính, nơi quy tụ nhiều tập đoàn kinh tế này, mỗi một ngày lụt lội có nghĩa là hàng triệu USD bị mất đi. Vì thế điều mà siêu đô thị này cần làm là quyết tâm chạy trước thiên tai.
New York là thành phố có mật độ dân đông nhất Mỹ, đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại đây cũng thuộc hàng lớn nhất. Thế nhưng trước những biến đổi nhanh và bất thường của thời tiết, giải pháp hiện nay chỉ có thể là phải chạy nhanh hơn tự nhiên.
Thời báo New York chỉ ra vấn đề của không chỉ New York, dù thành phố này đã có cơ sở hạ tầng thoát nước khá mạnh. Lý do gây ra ngập úng khi có mưa lớn là do 60% diện tích thành phố có hệ thống thoát nước mưa chung với thoát nước thải hàng ngày. Và khi lượng nước chảy qua các ống đó nhiều gấp đôi lượng có thể xử lý, sẽ dẫn tới ngập. Và chỉ riêng một trận bão như năm 2021 xảy ra có thể khiến thành phố mất cả chục năm để chỉnh sửa và tiêu tốn tới 100 tỷ USD.
Trang Bloomberg bình: Một New York hoàn toàn không có lũ là một mục tiêu khó khăn, nó sẽ yêu cầu thành phố này này tăng công suất của hệ thống xử lý nước thải cũ kỹ lên gấp đôi. Một công việc có thể mất hơn 1 thập kỷ và hàng trăm tỷ USD, nhưng không thể không làm gì. Thành phố này một mặt chi các khoản tiền nhỏ vào việc nâng cấp dần các hệ thống thoát nước yếu kém nhất, mặt khác mở rộng không gian xanh, mở ra hàng chục ngàn các vườn gọi là vườn ngấm nước mưa nhỏ.
Giải pháp phòng, chống ngập lụt đô thị tại Nhật Bản
Nhật Bản, quốc gia vốn thường xuyên phải hứng chịu động đất và những cơn bão, giờ đây còn phải đương đầu với những đợt ngập lụt nghiêm trọng. Điều này tác động nghiêm trọng đến kinh tế và đời sống của các đô thị ở Nhật Bản, đồng thời thúc đẩy việc tìm kiếm các giải pháp để phòng, chống ngập lụt.
Theo các chuyên gia của Nhật Bản, để thực hiện các giải pháp chống ngập lụt đô thị hiệu quả thì đầu tiên là phải xây dựng một chương trình dự báo lượng nước tại các đô thị, trong đó có tính tới mật độ nhà, mạng lưới sông ngòi, cống thoát nước. Hệ thống này sẽ đánh giá nguy cơ ngập lụt một cách chi tiết trong cả các trường hợp mưa thông thường hoặc mưa bão lớn để giúp triển khai các biện pháp cụ thể ngăn chặn ngập lụt hiệu quả hơn.
Tại các đô thị như Tokyo, từ năm 1993 đã xây dựng hàng chục con đập, hồ chứa, điểm nhấn là hệ thống kênh thoát nước ngầm khu vực đô thị, có thể kể đến là hệ thống thoát nước ra sông Edogawa và sông Kanda, giúp người dân của Thủ đô Nhật Bản và vùng lân cận có thể tránh được các đợt ngập lụt nặng trong những năm qua.
Không chỉ những công trình công cộng quy mô lớn, mà ngay cả các công trình công cộng như trường học, nhà ga tàu điện ngầm cũng đều xây các bể chứa nước để xử lý ngập lụt cục bộ. Ngoài ra, Nhật Bản cũng nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật mới trong xây dựng, giúp tăng tính thấm nước của nền đường nhựa để tăng khả năng thoát nước trên bề mặt.
Phát triển đô thị dựa trên các biện pháp bền vững, thích ứng với khí hậu sẽ mang lại một môi trường an toàn và lành mạnh cho sự phát triển kinh tế và tăng cường khả năng chống chịu của cư dân thành phố. Khả năng chống chịu của đô thị chính là việc giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai và cũng liên quan đến khả năng nhanh chóng trở lại trạng thái ổn định. Những biện pháp thích ứng với khí hậu và khả năng chống chịu cần được lồng ghép chặt chẽ vào các quy trình lập kế hoạch và ngân sách cho đô thị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!