Hầu hết các giải pháp thực phẩm nhằm bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đang được áp dụng là đạm thực vật hay thịt nhân tạo. Nhưng một nhà khoa học Thụy Điển vừa đề xuất trong tương lai do khí hậu biến đổi con người có thể phải cân nhắc một giải pháp khác...
Biến đổi khí hậu được dự báo là sẽ ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động nông nghiệp, đến mức có thể gây thiếu lương thực thực phẩm nghiêm trọng. Những thảm họa thiên tai như bão lũ, hạn hán, nắng nóng cực đoan xuất hiện liên tục trong tương lại sẽ khiến việc trồng trọt lương thực ngày càng khó khăn. Dự báo trong chưa đầy một thập kỷ nữa, khẩu phần ăn của mỗi người có thể thiếu hụt khoảng 28.000 calo mỗi năm.
Trước viễn cảnh đó, trong một cuộc hội thảo về tương lại của thực phẩm ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển, nhà khoa học nghiên cứu hành vi của con người Magnus Soderlund cho rằng do thiếu lương thực thực phẩm như vậy mà một lúc nào đó trong tương lai con người có thể nghĩ đến việc ăn… thi thể người.
Đây không phải lần đầu có nhà khoa học gợi ý khả năng này. Năm 2018, nhà sinh vật học tiến hóa người Anh Richard Dawkins đã từng đưa ra ý tưởng tương tự. Ông này gợi ý "nuôi trồng" thịt từ những tế bào người trong phòng thí nghiệm.
Nhà khoa học Thụy Điển Magnus Soderlund
Lý luận của Soderlund là khi sản lượng chăn nuôi, trồng trọt không đủ dùng thì con người đương nhiên phải tìm kiếm những nguồn dinh dưỡng khác. Đó có thể là côn trùng như châu chấu, sâu bọ nhưng cũng có thể là… thi thể người.
Ông Soderlund là một nhà khoa học về hành vi của con người làm việc tại Trường đại học kinh tế Stockholm. Ông không nghiên cứu về khoa học dinh dưỡng hay chuyên ngành kinh tế học trong chuỗi thực phẩm toàn cầu. Và ông cũng cho rằng vật nuôi hay côn trùng là những nguồn thực phẩm mới hợp lý hơn.
Đáng ngạc nhiên là có 8% trong số những người xem truyền hình cuộc phỏng vấn ông Soderlund trên kênh TV4 của Thụy Điển đã trả lời rằng họ sẵn sàng thử ăn. Ông Soderlund thậm chí có kế hoạch sẽ đi giảng thêm về chủ đề này.
Ý tưởng bị bác bỏ
Các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu bác ý tưởng này. Họ cho rằng, bất kỳ suy nghĩ nào về những giải pháp khác với giải pháp thay đổi hành vi của con người đối với môi trường thì đều có hại.
Những hậu quả về sức khỏe khi ăn thịt đồng loại cũng đã được chứng minh. Một bộ lạc ở Papua New Guinea có tục lệ ăn thi hài người quá cố để tránh cho họ bị sâu bọ ăn. Tục lệ này đã làm bùng phát dịch bệnh có tên là Kuru. Theo Thư viện y học quốc gia Mỹ, bệnh này do một loại protein độc có trong những mô tế bào não người nhiễm bệnh. Ví dụ như bệnh Bò điên cũng có nguyên nhân là do cho bò ăn xác gia súc. Năm 1960, tục lệ ăn thi hài người quá cố của bộ lạc ở Papua New Guinea đã bị hủy bỏ.
Và còn vô vàn những vấn đề về đạo đức.
Bà Genevieve Guenther, Giám đốc tổ chức Chấm dứt sự im lặng trước tình trạng biến đổi khí hậu (End Climate Silence), cho rằng: "Ý tưởng về việc chúng ta sẽ có thể triển khai việc này một cách logic và hệ thống mới thật là phi lý. Nếu thực thi giải pháp đó thì toàn bộ nền văn minh của chúng ta sẽ sa vào thời kỳ man rợ".
Còn nữa, có nhiều cách đơn giản và văn minh hơn để chúng ta đảm bảo nguồn cung lương thực thực phẩm trong tương lai.
Một báo cáo gần đây của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc cho thấy 1/4 tổng số lương thực thực phẩm trên toàn cầu bị thất thoát hoặc lãng phí. Báo cáo cho hay, bằng những cách thu hoạch, lưu kho, đóng gói và vận chuyển lương thực thực phẩm tối ưu hơn, chúng ta sẽ có thể giải quyết được vấn đề thiếu hụt nguồn cung.
Xử lý ngô ở một trang trại tại bang Illinois, Mỹ (Nguồn: Reuters)
Và một giải pháp văn minh nữa là giảm đáng kể khí thải trên toàn thế giới cũng sẽ giúp chúng ta tránh được tương lai nhiệt độ tăng cao, không phải chịu những tình trạng thời tiết cực đoan khiến người nông dân gặp khó trong chăn nuôi và trồng trọt, dẫn đến khả năng thiếu hụt nguồn cung lương thực, thực phẩm.
Những thông tin cơ bản về biến đổi khí hậu:
- Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều bằng chứng về việc khí hậu Trái Đất đang biến đổi nhanh chóng do hành vi của con người.
- Biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến các vấn đề như tình trạng nóng lên toàn cầu; khả năng lũ lụt, hạn hán và các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn.
- Sau mỗi thập kỷ trong ba thập kỷ gần đây nhất, nhiệt độ Trái Đất lại tăng lên.
- 17 trong số 18 năm nóng nhất trong lịch sử nằm trong thế kỷ 21.
- Vào năm 2015, gần như tất cả các nước trên thế giới đã ký Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!