Mục tiêu gói trừng phạt nhằm vào Nga mới nói trên là nhằm gia tăng sức ép với Nga liên quan chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.
Trả lời phỏng vấn báo chí Đức, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết, gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu sẽ nhằm vào lĩnh vực ngân hàng, cụ thể là ngân hàng lớn nhất nước Nga Sberbank vốn chiếm 37% hoạt động ngân hàng của Nga.
Ngoài ra, các biện pháp hạn chế nhằm vào lĩnh vực năng lượng Nga cũng đang được Ủy ban châu Âu thảo luận. Theo đó, EC đang phát triển các "cơ chế linh hoạt" cho phép đưa dầu mỏ Nga vào gói trừng phạt tiếp theo.
Đến thời điểm hiện nay, Liên minh châu Âu đã áp đặt 5 gói trừng phạt với Nga, trong đó có lệnh cấm vận với than đá, lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa trị giá 10 tỷ Euro cho Nga và đóng băng tài sản của một số ngân hàng nước này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. (Ảnh: AP)
Liên minh châu Âu cũng đang mở rộng các mặt hàng cấm nhập khẩu từ Nga, trong đó có nguyên liệu thô và thiết bị quan trọng với giá trị ước tính 5,5 tỷ Euro mỗi năm.
Trước thời điểm Chủ tịch Ủy ban châu Âu tuyên bố việc xem xét áp các biện pháp trừng phạt với ngân hàng Sberbank, ngân hàng này cùng Gazprombank là một trong những bên trung gian chính để các nước châu Âu thanh toán cho dầu và khí đốt của Nga.
Cuối tuần qua, đại diện Vụ Hợp tác kinh tế, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Nga vẫn có một số biện pháp trả đũa nhưng không có ý định bước vào một "cuộc chiến trừng phạt" với các nước khác. Nguyên nhân là bởi các biện pháp trừng phạt là con dao hai lưỡi và quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt thậm chí có thể phải chịu nhiều thiệt hại hơn.
Ngày 17/4, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, Nga đã cắt giảm dự trữ đồng USD từ trước khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina, khẳng định rằng nước này có đủ dự trữ vàng và dự trữ Nhân dân tệ bất chấp tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!