Đến nay, hơn 257,7 triệu người trên toàn cầu đã mắc COVID-19. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 48,57 triệu ca mắc. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 20.200 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trong bối cảnh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em và tiêm mũi tăng cường đang được thúc đẩy, nhiều địa phương tại Mỹ đã nới lỏng hoặc gỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trong không gian kín và trường học. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giờ vẫn chưa phải lúc có thể bỏ quy định đeo khẩu trang.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo, ngay cả những người đã tiêm đủ liều vaccine vẫn nên đeo khẩu trang khi ở trong các không gian kín tại nơi công cộng, ở những địa phương có tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng ở mức "ổn định hoặc cao". Hiện tại, gần 85% các hạt của Mỹ ở ngưỡng này, với ít nhất 50 ca nhiễm mới mỗi tuần trên 100.000 dân.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ dân số Mỹ hoàn thành tiêm chủng đạt 59,1%, trong đó người trên 65 tuổi là 86,3%, người trên 18 tuổi 70,9%, người trên 12 tuổi 69,1%, người trên 5 tuổi 62,8%. Khoảng 34,5 triệu người Mỹ đã được tiêm mũi tăng cường, tương ứng 17,6% dân số.
Theo dữ liệu từ Đại học John Hopkins, số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ trong năm nay đã vượt qua cả năm 2020. Hiện Mỹ có hơn 793.600 ca tử vong do COVID-19 kể từ khi dịch bùng phát. Trong khi đó, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, con số này là hơn 385.000 trường hợp trong năm 2020. Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn khi nhiệt độ giảm do mùa đông đến gần, người dân phải ở trong nhà, tạo điều kiện để virus lây lan dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, hàng chục triệu người Mỹ dự kiến di chuyển khắp cả nước để đoàn tụ với gia đình nhân dịp lễ Tạ ơn.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, hiện tổng cộng trên 34,5 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 465.600 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 612.6000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Theo cảnh báo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Delta với khả năng lây lan mạnh hiện đã chiếm tới 99% tất cả các lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới. Theo WHO, ngoài Delta, có 2 biến thể nữa đang được quan tâm là Mu và Lambda. Đáng chú ý, tại châu Âu, số ca mắc COVID-19 đã tăng mạnh và đẩy số ca mắc toàn cầu tăng cao. Tuần qua, số ca mắc mới ở châu Âu chiếm tới 60% trong số 3,3 triệu ca mắc. Khu vực Tây Âu hiện có khoảng 60% đã được tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine phòng COVID-19. Trong khi đó, ở Đông Âu, con số này chỉ khoảng 30%.
Tại tất cả các nước châu Âu, biến thể Delta vẫn đang tiếp tục lan nhanh. Số ca nhiễm mới và ca tử vong mỗi ngày tiếp tục tăng, cho thấy đợt dịch thứ tư tại khu vực này vẫn chưa đạt đỉnh.
Chính phủ Áo dự kiến bắt buộc toàn dân phải tiêm vaccine ngừa COVID-19. Từ sau ngày 1/2/2022, sẽ là phạm pháp nếu chưa tiêm chủng đầy đủ. Hiện Chính phủ Áo đang chuẩn bị cơ sở pháp lý đối với quy định tiêm vaccine bắt buộc nói chung. Mặc dù độ tuổi được yêu cầu tiêm chủng hiện vẫn chưa được xác định nhưng Chính phủ Áo cho biết, tất cả những người từ chối tiêm có khả năng bị phạt hành chính, thậm chí có thể chuyển thành án tù nếu không nộp phạt. Quy định này chỉ miễn trừ cho những người Không thể tiêm vaccine vì lý do sức khỏe.
Đại dịch đang lan nhanh tại Áo, đất nước có chưa tới 9 triệu dân nhưng ghi nhận tới gần 16.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Áo đã quyết định tái phong tỏa nghiêm ngặt, cấm mọi người ra đường nếu không có lý do cấp thiết kể từ ngày 22/11 và trong vòng 20 ngày.
Làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 4 đã mang đến chết chóc thực sự cho nước Nga, khi số ca nhiễm mới mỗi ngày xấp xỉ 40.000 người và số trường hợp tử vong liên tiếp đạt các kỷ lục mới. Nhiều biện pháp chống dịch quyết liệt đã được đưa ra như tiêm chủng bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng công dân và triển khai hệ thống mã QR để kiểm soát COVID-19.
Ngày 21/11, Nga ghi nhận 36.970 ca mắc mới và 1.252 người thiệt mạng. Đến nay, tổng cộng trên 9,33 triệu người ở Nga đã mắc COVID-19, bao gồm trên 264.000 bệnh nhân qua đời.
Đức cảnh báo làn sóng dịch COVID-19 thứ 5 vào mùa đông. (Ảnh: AP)
Đức dù chưa phong tỏa nhưng đã ban hành nhiều quy định nhằm vào những người không đi tiêm chủng. Tỷ lệ lây nhiễm mới trên dân số ở Đức đang cao nhất từ trước tới nay. Làn sóng dịch lúc này chưa có dấu hiệu lắng dịu, nhưng nước Đức đã lo ngại làn sóng lây nhiễm thứ năm sẽ bùng nổ trong mùa đông này.
Ngày 21/11, Đức ghi nhận 36.860 ca mắc mới. Hiện tổng cộng trên 5,37 triệu người dân Đức đã mắc COVID-19, bao gồm hơn 99.600 trường hợp thiệt mạng.
Các khu nghỉ dưỡng trên núi ở Pháp đang bắt đầu mở cửa trở lại sau thời gian dài tạm dừng đón khách để phòng dịch. Theo đó, Val Thorens, khu nghỉ dưỡng trượt tuyết cao nhất châu Âu với độ cao 2.300 m, là khu nghỉ dưỡng đầu tiên nằm trên dãy núi Alps của Pháp đón khách trở lại. Các khu nghỉ dưỡng khác sẽ mở cửa trở lại trong những tuần tới. Các khu nghỉ dưỡng của Pháp là địa điểm trượt tuyết nổi tiếng thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Áo, và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của nhiều địa phương nước này.
Tại Pháp, số ca mắc mới COVID-19 trong làn sóng lây nhiễm thứ 5 ở nước này đang tăng ở mức đáng báo động, gần gấp đôi so với tuần trước. Theo giới chức y tế Pháp, ngày 20/11, số ca mắc mới COVID-19 ở Pháp trong trung bình 7 ngày là 17.153 ca, tăng 81% so với mức 9.458 ca của một tuần trước đó. Mức tăng số ca mắc mới trong 7 ngày cao gấp 3 lần con số ghi nhận cách đây 3 tuần. Người phát ngôn của Chính phủ Pháp Gabrial Attal cảnh báo, số ca mắc mới trong làn sóng thứ 5 ở nước này đang bắt đầu tăng với "tốc độ ánh sáng". Hiện các bệnh viện ở Pháp đang điều trị cho 7.974 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 1.333 người phải chăm sóc tích cực. Các con số này tăng so với mức lần lượt 6.500 người và 1.000 người ghi nhận một tháng trước.
Trước tình hình căng thẳng trong khu vực, Hội đồng Y tế cấp cao Pháp đã vừa ra khuyến nghị tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 cho người từ 40 tuổi trở lên, 6 tháng sau khi hoàn thành mũi tiêm thứ 2. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hơn một nửa dân số Pháp sẽ đủ điều kiện để nhận mũi tiêm thứ 3.
Các báo cáo nghiên cứu mới nhất cho thấy, mũi tiêm tăng cường phát huy hiệu quả đối với những người ở độ tuổi từ 40 trở lên. Dựa trên số liệu thống kê dân số, sẽ có khoảng 52,6% người Pháp đủ điều kiện để nhận mũi tiêm tăng cường. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông ủng hộ việc mở rộng độ tuổi nhận mũi tiêm tăng cường.
Hà Lan ghi nhận 20.643 ca nhiễm mới vào ngày 21/11, mặc dù đã áp đặt lệnh phong tỏa cục bộ có hiệu lực từ tuần trước. Người Hà Lan đã rất thất vọng do mọi người đã trông chờ nhiều vào mùa lễ Giáng sinh sau hai năm mệt mỏi với đại dịch. Một số cuộc biểu tình đã diễn ra, tới mức gây xô xát với cảnh sát chống bạo động.
Bộ Y tế Iran cho biết, hơn một nửa dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Số ca mắc mới và số trường hợp tử vong do dịch COVID-19 tại Iran đã bắt đầu giảm. Theo số liệu của Bộ Y tế Iran, hơn 44,2 triệu người trong tổng số 83 triệu dân của Iran đã được tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, hơn 12,2 triệu người khác đã nhận được một liều vaccine. Iran hiện sử dụng một số loại vaccine ngừa COVID-19, trong đó có vaccine của Sinopharm.
Theo cơ quan chức năng nước này, số ca nhiễm mới và số trường hợp tử vong do dịch COVID-19 tại Iran đã bắt đầu giảm. Tổng thống Iran đã dỡ bỏ lệnh cấm lái xe vào ban đêm. Trước đó, các sân vận động đã được thử nghiệm mở cửa trở lại nhưng chỉ giới hạn ở 30% công suất.
Singapore chính thức bước sang giai đoạn 2 của tiến trình mở cửa kinh tế bắt đầu từ ngày 22/11. Quyết định được Chính phủ Singapore đưa ra sau khi nước này đã bình ổn được tình hình COVID-19. Số ca mắc COVID-19 mới hàng ngày gần đây tại Singapore rơi vào khoảng 2.000 ca mỗi ngày, giảm mạnh so với mức trung bình 3.000 ca trong nhiều tuần trước đó. 99% các ca mắc mới đều ở thể nhẹ và đa số có thể tự hồi phục ở nhà. Số ca bệnh nặng cũng ổn định trong khi tỷ lệ lây nhiễm theo tuần ở mức 1 hoặc thấp hơn. Đây là cơ sở để Chính phủ Singapore đánh giá tình hình COVID-19 đã được kiểm soát ổn định và có thể chuyển sang giai đoạn 2 của tiến trình mở cửa.
Đại diện Chính phủ Singapore cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình một cách thận trọng và nếu hệ thống y tế tiếp tục được duy trì ổn định, có thể cân nhắc một số nới lỏng khác vào cuối tháng 12 tới. Chính phủ Singapore nhấn mạnh, trong suốt quá trình này cần có sự hợp tác và tuân thủ đầy đủ các quy định của người dân để có thể hướng tới sống chung với COVID-19.
Malaysia ghi nhận hàng nghìn ca lây nhiễm trong cộng đồng mỗi ngày. (Ảnh: AP)
Malaysia tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca lây nhiễm trong cộng đồng trong ngày 21/11. Tính đến ngày 21/11, quốc gia Đông Nam Á này có tổng cộng trên 2,5 triệu ca nhiễm, trong đó có 4.854 trường hợp mắc mới được ghi nhận trong 24 giờ trước đó. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin đã kêu gọi người dân nước này tiêm mũi vaccine tăng cường ngay khi có thể để bảo vệ bản thân trước dịch COVID-19.
Tại Malaysia, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở những người trưởng thành chưa tiêm chủng cao hơn rất nhiều so với nhóm đã hoàn thành tiêm chủng. Cụ thể, trong 20 ngày đầu tháng 11, tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên 1 triệu dân ở nhóm người trưởng thành chưa tiêm chủng là 305,2 người và ở nhóm người đã hoàn thành tiêm chủng là 21,1 người. Như vậy, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 trong nhóm người trưởng thành chưa tiêm chủng cao gấp 14,5 lần so với nhóm đã hoàn thành tiêm chủng. Hiện nay, Malaysia còn khoảng hơn 1 triệu người trưởng thành chưa tiêm chủng và hơn 22 triệu người trưởng thành đã hoàn thành tiêm chủng.
Bộ Y tế Lào ngày 21/11 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 921 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 62.160 trường hợp. Trong 24 giờ qua có thêm 6 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng từ đầu dịch đến nay lên 132.
Lào liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới ở mức 4 con số trong 5 ngày qua. Các ca lây nhiễm trong cộng đồng được ghi nhận tại tất cả 18 tỉnh, thành. Tại thủ đô Vientiane, số ca cộng đồng cũng tiếp tục tăng cao với 636 trường hợp, đứng đầu cả nước. Đáng chú ý, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, trong đó có Luang Prabang, Vientiane...
Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào đã cho phép tiêm kết hợp vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh nguồn cung một số loại vaccine không còn để tiếp tục tiêm mũi thứ 2. Tại Lào, hiện vaccine được nhận từ nhiều nguồn và nhiều loại khác nhau, khiến nước này gặp khó khăn trong việc phân bổ và lên kế hoạch tiêm vì phải cân bằng giữa nhu cầu của các địa phương, thời hạn của vaccine, trong khi khoảng cách giữa 2 mũi tiêm của từng loại vaccine không giống nhau.
Tại Campuchia, đã 9 tháng trôi qua kể từ "sự cố cộng đồng ngày 20/2" làm bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ 3 khiến gần 3.000 người thiệt mạng và nền kinh tế lao đao. Tình hình dịch COVID-19 ở nước này hiện nay về cơ bản đã ổn định, với số ca mắc mới ở mức 2 con số mỗi ngày. Dựa vào tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến theo chiều hướng khả quan, Chính phủ Campuchia đã mở cửa trở lại du lịch và kinh doanh, đồng thời quản lý điều trị các ca bệnh có triệu chứng nhẹ tại nhà.
Trong thông cáo ngày 21/11, Bộ Y tế Campuchia xác nhận 41 ca mắc mới trong 24 giờ qua và có thêm 4 người tử vong. Tính đến ngày 19/11, Campuchia đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 14.089.134 người thuộc 4 nhóm tuổi (từ 18 tuổi trở lên, 12-17 tuổi, 6-12 tuổi và 5 tuổi), tương đương 88,06% tổng số dân khoảng 16 triệu người, trong đó trên 13,2 triệu người đã tiêm 2 mũi và hơn 2,1 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường.
Tất cả các trường học trên toàn Campuchia từ tiểu học cho đến phổ thông trung học đã mở cửa trở lại sau khi hoàn thành tiêm vaccine cho lứa tuổi từ 6 - 17. Các nhà trẻ và trường mẫu giáo chưa được mở lại do lứa tuổi này chưa tiêm vaccine. Nhiều quy định chặt chẽ được thực hiện để đảm bảo an toàn phòng dịch tại các trường học.
Theo quy định của Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia, các học sinh và giáo viên đã được tiêm đủ liều vaccine mới được phép đến trường. Các lớp phải chia theo ca và chỉ tập trung mỗi lớp từ 20 học sinh trở xuống để đảm bảo giãn cách. Chương trình giảng dạy trên lớp tập trung những nội dung chính, các học sinh phải làm nhiều bài tập và bài thực hành ở nhà. Tất cả các trường học ngoài giảng dạy trực tiếp trên lớp vẫn tiếp tục tổ chức dạy trực tuyến để bổ trợ kiến thức cho học sinh. Học sinh và giáo viên phải đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay. Các trường học đều phải thành lập Ban Y tế học đường với sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương, nhận viên y tế nhà trường và phụ huynh để theo dõi và giám sát sức khỏe của giáo viên và học sinh.
Trường hợp phát hiện ca nhiễm COVID-19, bệnh nhân và người tiếp xúc gần được đưa đi điều trị và cách ly, còn toàn bộ trường học vẫn hoạt động bình thường.
Ngày 21/11, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo, nước này ghi nhận 3.114 ca mắc COVID-19 mới. Như vậy, trong 6 ngày liên tiếp gần đây, Hàn Quốc ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm mới/ngày. Thực tế này làm dấy lên những lo ngại nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát tại Hàn Quốc trong mùa đông năm nay.
Từ ngày 7/7, số ca mắc mới được ghi nhận hàng ngày tại Hàn Quốc liên tục ở mức 4 chữ số do xuất hiện nhiều ổ dịch mới và sự lây lan của các biến thể có khả năng lây nhiễm nhanh. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc đã lên tới 415.425 người từ đầu dịch, trong đó vùng thủ đô Seoul chiếm tới 80% số ca.
Trong nỗ lực kiểm soát tình trạng lây nhiễm COVID-19, Trung Quốc mới đây đã áp dụng cách tiếp cận mới tại một số địa phương nhằm nhanh chóng xác định những người có nguy cơ lây nhiễm. Giới chức y tế thành phố Thành Đô đã áp dụng phương pháp xác định tiếp xúc theo thời gian và không gian. Theo nhà chức trách, thông qua tín hiệu điện thoại di động sẽ xác định những người có mặt trong phạm vi 800 m2 quanh bệnh nhân COVID-19 trong hơn 10 phút.
Tại tỉnh Hà Nam, tin nhắn sẽ được gửi tới điện thoại những người được xác định là đã ở gần bệnh nhân COVID-19 trong khoảng thời gian và không gian như trên. Những người này sẽ được yêu cầu xét nghiệm COVID-19 hai lần trong 3 ngày và phải tự cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính.
Giới chức y tế Trung Quốc cho biết, hiện nước này đã gần như kiểm soát được đợt dịch COVID-19 bùng phát trong một tháng nay khi mỗi ngày chỉ có vài ca bệnh nội địa. Bên cạnh tiếp tục siết chặt kiểm soát dịch bệnh tại những bến cảng, biên giới, các biện pháp truy vết nhanh gọn được nước này triển khai ngày càng rộng rãi với mục tiêu: đảm bảo ít ảnh hưởng nhất đến nền kinh tế.
Nhật Bản đến nay đã trải qua 5 làn sóng dịch bệnh COVID-19. Làn sóng gần đây nhất và cũng là nghiêm trọng nhất gây ra bởi biến chủng siêu lây nhiễm Delta. Tuy nhiên, trong vài tuần qua, dịch bệnh có dấu hiệu đột ngột suy giảm, khi số ca mắc mới mỗi ngày giảm mạnh.
Nhật Bản có tỷ lệ bao phủ vaccine cao với 75% dân số đã được tiêm đủ 2 mũi. Tại Nhật Bản, biến thể Delta dường như đang bị cô lập bởi vaccine và các phương pháp phòng dịch từ bên ngoài, trong khi lại "tự hủy" từ bên trong đã khiến cho virus này dần không còn chỗ đứng tại Nhật Bản. Tuy nhiên không thể chủ quan bởi việc một loại biến thể khác mạnh hơn Delta xuất hiện vẫn có thể đe dọa đến thành quả chống dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!