Vaccine COVID-19 ra đời là một thành tựu đột phá giúp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, sau khi tiêm chủng cho hàng tỷ người, các nhà khoa học đã hiểu được điểm mạnh và cả điểm yếu của các mũi tiêm vaccine. Điểm yếu là quá trình bảo quản vaccine rất phức tạp, hay hiệu quả miễn dịch của vaccine dần suy yếu khi virus SARS-CoV-2 biến thể.
Những kỳ vọng vào vaccine ngừa COVID-19 thế hệ thứ hai
Trong giai đoạn tiếp theo của đại dịch, các nhà khoa học đang hướng tới việc phát triển các loại vaccine đơn giản, dễ sử dụng hơn và có thể hiệu quả hơn.
Vaccine COVID-19 dạng hít do Trung Quốc sản xuất đã ra mắt công chúng tại một hội chợ triển lãm ở tỉnh Hải Nam, phía Nam Trung Quốc. Các thử nghiệm cho thấy, việc hít vaccine dạng khí dung có thể tạo ra phản ứng miễn dịch tế bào mạnh mẽ tương đương với mũi tiêm vào bắp tay, trong khi liều lượng chỉ bằng 1/5.
Mexico cũng đang gấp rút phát triển vaccine nội địa dạng xịt để tự chủ năng lực tiêm phòng trong tương lai. Giới chức Mexico hy vọng, vaccine này sẽ được WHO thông qua sử dụng khẩn cấp vào cuối năm nay. Đơn vị nghiên cứu cho biết, thông thường, COVID-19 chủ yếu lây nhiễm thông qua lớp niêm mạc mũi, miệng, cổ họng rồi tấn công phổi. Xịt vaccine trực tiếp vào mũi hoặc họng có thể giúp ngăn ngừa virus một cách nhanh chóng hơn, đồng thời hiệu quả chặn đứng lây nhiễm ngay từ đầu.
Cuối tháng 10, Nam Phi bắt đầu thử nghiệm lâm sàng đối với một loại vaccine ngừa COVID-19 dạng viên uống của công ty dược phẩm Oramed, Israel. Vaccine COVID-19 dạng viên có thể trở thành lựa chọn hữu ích nếu cần phải thêm các mũi vaccine tăng cường liên tục.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu từ Đại học Queensland, Australia và công ty dược Emergex của Anh đang phát triển hai vaccine COVID-19 dạng miếng dán vào da. Miếng dán có chứa những mũi kim siêu nhỏ. Đây là công nghệ mới với kỳ vọng tạo miễn dịch lâu dài, chống lại các biến thể tốt hơn. Đặc biệt, loại vaccine miếng dán có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng, giúp khâu phân phối và sử dụng vaccine dễ dàng hơn.
Nhiều loại vaccine COVID-19 mới đang được phát triển. (Ảnh: AP)
Dự báo diễn biến dịch COVID-19 trong tương lai
Vaccine thế hệ thứ hai được dự báo sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp tăng độ phủ vaccine trong giai đoạn dịch bệnh sắp tới. Bác sĩ miễn dịch Zhemchugov, chuyên gia người Nga về các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, đã đưa ra dự báo về các khả năng diễn biến của dịch COVID-19 trong tương lai.
Theo đó, virus SARS-CoV-2 có thể sẽ ký sinh thường xuyên trên người "giống như một loại virus cúm thứ hai". Đây là kịch bản không mong muốn và nếu điều này thực sự xảy ra, có thể chúng ta sẽ cần tiêm phòng COVID-19 hàng năm. Khi đó, các loại vaccine mới sẽ giải quyết gánh nặng đáng kể cho hệ thống y tế, phù hợp phân phối nhanh và hiệu quả tới cộng đồng dân cư.
Thách thức giảm phát thải carbon sau Hội nghị COP26
Hiệp ước khí hậu Glasgow đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 tuần qua đã khẳng định mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2oC hoặc lý tưởng là 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để đạt được điều đó, các nước cần giảm dần điện than và giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.
Theo số liệu năm 2019 của Cục Bảo vệ môi trường Mỹ, ngành giao thông vận tải vẫn là lĩnh vực phát thải khí gây hiệu ứng nhiều nhất (chiếm 29%), ngành năng lượng (25%,) các ngành công nghiệp (23%), tiếp sau là khu vực dân cư và thương mại (13%), lâm nghiệp (12%) và nông nghiệp (10%).
Hội nghị COP26 đã đạt được Hiệp ước khí hậu Glasgow vào tuần qua. (Ảnh: AP)
Một khảo sát tại Đức chỉ ra rằng, nước này sẽ cần tới 6.000 tỷ Euro nếu muốn đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2045, tức là đảm bảo lượng khí carbon thải ra bằng với lượng khí carbon được thu giữ lại và khử sạch. Trong đó, ba lĩnh vực tốn kém nhất để đạt mục tiêu giảm khí thải là ngành năng lượng, công nghiệp và giao thông vận tải. Những ngành này tiêu tốn nhất bởi chúng có quy mô lớn, thải ra nhiều khí nhà kính và quy trình để khử các bon rất khó.
Khoản cam kết đầu tư 100 tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2020 để giúp các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu được các nước phát triển đưa ra vào hơn một thập kỷ trước vẫn chưa được thực hiện. Lời hứa này sau một thập kỷ lỡ dở đến nay đã phải đối mặt với một thực tế khác, đó là 100 tỷ USD mỗi năm nay không còn đủ để giải quyết những thiệt hại cho khí hậu nữa mà cần được tăng gấp đôi. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các nước mới chỉ dừng lại ở kêu gọi, chưa có quốc gia giàu nào thực sự "móc hầu bao".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!