Những món trang sức vàng lấp lánh luôn thu hút sự mê hoặc, nhưng đằng sau mỗi chiếc dây chuyền hay nhẫn vàng tinh xảo là những câu chuyện ít ai biết đến, đặc biệt tại Ghana, nơi hoạt động khai thác vàng trái phép đang bùng nổ. Nhiều người đổ về các mỏ vàng không có giấy phép với hy vọng đổi đời, nhưng kết quả không như mong đợi. Thay vào đó, hậu quả đối với sức khỏe của chính họ và môi trường đã trở nên rõ ràng.
Tại một mỏ vàng không có giấy phép ở Ghana, những người thợ mỏ phải lội trong những vũng nước bùn lẫn thủy ngân, kéo đá bằng tay không và sử dụng những công cụ thô sơ để tìm vàng. Dụng cụ bảo hộ cũng rất sơ sài, chủ yếu là túi nilon trùm đầu, bao tải dứa làm áo khoác, thậm chí có người dùng kính bơi hoặc ủng cao su.
Hoạt động khai thác vàng này không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí tính mạng của thợ mỏ, mà còn làm ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh. Tuy nhiên, vì gánh nặng cơm áo, nhiều người dân nghèo ở Ghana vẫn chấp nhận mạo hiểm với hy vọng kiếm được chút thu nhập từ công việc đầy rủi ro này.
Một người đàn ông đào vàng cho biết: "Trước khi bắt tay vào làm công việc này, tôi hoàn toàn tay trắng, nên tôi quyết định mình phải làm việc này thôi và nhất định phải kiếm được gì đó. Khi bắt đầu khai thác, tôi kiếm được khoảng 60 nghìn Cedi. Thế là tôi rủ các anh em tới làm chung".
Người biểu tình cầm biểu ngữ yêu cầu chính phủ hành động đối với hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp và thả nhà hoạt động bị bắt, tại Accra, ngày 3/10/2024. (Ảnh: AFP)
60.000 cedi (đơn vị tiền tệ của Ghana), chỉ tương đương khoảng 100.000 VN. Tuy nhiên, đối với những người dân nghèo ở đây, số tiền này mang lại hy vọng về một cuộc sống bớt khổ cực, thậm chí là cơ hội để đổi đời.
Trong năm 2024, ngành khai thác vàng không có giấy phép tại Ghana đã phát triển nhanh chóng do giá vàng toàn cầu tăng gần 30%. Gần một nửa tổng sản lượng vàng của Ghana đến từ các mỏ nhỏ lẻ, và phần lớn trong số đó hoạt động mà không có giấy phép.
Nguy cơ tiềm ẩn từ việc khai thác vàng trái phép là điều không thể phủ nhận. Trong những năm gần đây, hàng chục thợ mỏ đã thiệt mạng trong các vụ sập mỏ tại Ghana. Các bệnh viện cũng ghi nhận nhiều ca tử vong sớm do bệnh phổi, không chỉ ở thợ mỏ mà cả những người dân sống gần khu vực khai thác. Nguyên nhân chính là do họ phải hít thở bầu không khí chứa đầy bụi kim loại nặng như chì, cùng với khói độc từ thủy ngân và axit nitric – những hóa chất được sử dụng để tách vàng khỏi trầm tích. Sau quá trình khai thác, các chất độc hại này thường bị xả thẳng xuống đất hoặc ra sông, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Liên tiếp các cuộc biểu tình diễn ra yêu cầu chính phủ giải quyết nạn khai thác vàng trái phép (Ảnh: AFP)
Cơ quan quản lý nước của Ghana cảnh báo rằng khoảng 65% nguồn nước tại quốc gia này đã bị ô nhiễm do hoạt động khai thác vàng trái phép, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Ông Aboubacar Sadekz cho rằng: "Hoạt động khai thác vàng trái phép cần phải dừng lại. Nước là nguồn sống, thế nhưng nước của chúng tôi đã bị ô nhiễm biết bao lâu rồi. Nếu muốn sống lâu hơn thì phải dừng ngay hoạt động này lại. Chẳng ai muốn vào viện vì bệnh thận hay bệnh phổi cả".
Nhà chức trách Ghana đã nỗ lực trong nhiều năm qua nhằm triệt phá hoạt động khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp can thiệp, hoạt động này vẫn âm thầm diễn ra, đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát và ngăn chặn triệt để.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!