Tại Mỹ, hơn 50.000 ca nhiễm mới đã được ghi nhận trong 24 giờ qua. (Ảnh: AP)
Với tổng cộng hơn 3,1 triệu ca mắc và trên 134.000 người tử vong, Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của đại dịch COVID-19. Mỹ đã ghi nhận thêm hơn 50.500 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất trong một ngày mà Mỹ ghi nhận kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này.
Tình hình dịch COVID-19 ở Mỹ đã nóng trở lại kể từ tháng 6 vừa qua, buộc chính quyền nhiều bang phải ngừng triển khai các kế hoạch mở cửa nền kinh tế. Mới đây nhất, cả hai bang Texas và California đều ghi nhận số ca mắc mới ở mức trên 10.000 ca, mức cao nhất trong một ngày và vượt số ca nhiễm trong ngày cao nhất của bất kỳ quốc gia châu Âu nào trong giai đoạn đỉnh dịch.
Người dân chờ trong xe tại điểm xét nghiệm COVID-19 tại Houston ngày 8/7. (Ảnh: AP)
Hiện nhiều thành phố ở Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về năng lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2 khi nhiều người phải xếp hàng chờ trong nhiều giờ đồng hồ mới được xét nghiệm. Trước tình hình này, Bộ Y tế Mỹ thông báo sẽ miễn phí xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại 3 bang "điểm nóng" của dịch bệnh ở miền Nam nước này, gồm Florida, Louisiana và Texas. Tất cả những người trên 5 tuổi, có triệu chứng hoặc không có triệu chứng của bệnh COVID-19, đều có thể tham gia chương trình này.
Ngày 8/7, Thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio, cho biết, các trường học trong thành phố này sẽ mở cửa trở lại trong năm học mới vào tháng 9 tới với mô hình "học tập kết hợp".
Tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai và thứ ba thế giới là Brazil và Ấn Độ. Hiện tổng số ca mắc tại Brazil là trên 1,7 triệu người, trong đó gần 68.000 người đã không qua khỏi. Hơn 38.000 ca mắc mới trong 24 giờ qua đã được ghi nhận tại quốc gia này.
Bác sĩ và y tá làm việc tại một trung tâm cách ly COVID-19 ở Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: AP)
Trong khi đó, tại Ấn Độ, hơn 21.000 người đã tử vong vì COVID-19. Trong ngày qua, tại Ấn Độ đã có hơn 25.000 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc bệnh tại quốc gia này lên trên 769.000 trường hợp.
Ngày 8/7, Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) thông báo triển khai lấy mẫu nước thải trên diện rộng để có thể phát hiện sớm sự tồn tại của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng như cảnh báo sớm về khả năng bùng phát dịch bệnh. Ngoài Italy, một số nước như Hà Lan, Pháp, Australia… cũng đã tìm thấy các dấu hiệu cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể được phát hiện trong nước thải. Nhiều quốc gia khác đang bắt đầu triển khai lấy mẫu nước thải để theo dõi dịch bệnh.
Uzbekistan thông báo áp đặt lệnh phong tỏa lần hai từ ngày 10/7 - 1/8 nhằm ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 lây lan. Uzbekistan đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh trong tháng 6 sau khi dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế. Quốc gia này đã ghi nhận tổng cộng hơn 11.000 ca nhiễm và 45 ca tử vong do COVID-19, hơn một nửa trong số này được ghi nhận trong 2 tuần qua.
Tại Trung Đông, dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan mạnh ở các nước như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar, Iraq, Oman.... Đáng chú ý, Iran thông báo số trường hợp tử vong do bệnh dịch tại nước này đã vượt 12.000 ca.
Người dân Iran đeo khẩu trang phòng chống COVID-19 trên phương tiện công cộng. (Ảnh: AP)
Ở châu Phi, dịch bệnh diễn biến ngày một nóng hơn tại Algeria. Số liệu thống kê kể từ ngày 26/6 đến nay cho thấy, số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ tại nước này luôn cao hơn nhiều so với ngày trước đó. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Bắc Phi này đã tăng lên hơn 17.000 trường hợp.
Tại châu Á, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục có thêm ca nhiễm mới. Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ngày 8/7 thông báo ghi nhận thêm 24 ca mắc mới, trong đó có 19 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong khi đó, Hàn Quốc cho biết, số ca nhiễm mới tại nước này tăng thêm 63 trường hợp, nâng tổng số ca bệnh lên trên 13.000 người.
Thủ đô Tokyo của Nhật Bản đang phải đối phó với số ca mắc COVID-19 tăng cao trở lại sau khi Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào cuối tháng 5. Dù tốc độ gia tăng lây nhiễm tại Nhật Bản đã chậm lại, nhưng số ca nhiễm mới tại thủ đô Tokyo đã tăng trở lại sau mức tăng kỷ lục 206 ca được ghi nhận vào ngày 17/4 vừa qua.
Một lối đi ở nhà ga chật cứng người đi lại đeo khẩu trang trong giờ cao điểm ở Tokyo. (Ảnh: AP)
Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận thêm hơn 1.800 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên trên 68.000 ca. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất ở Indonesia.
Ngày 9/7, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 84 không phát hiện thêm ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Đến lúc này, tổng số ca nhiễm ở Việt Nam hiện là 369 người. 94% số ca mắc đã được điều trị khỏi bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!