Hơn 137,9 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 32 triệu ca mắc và hơn 577.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 64.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Ngày 13/4, các cơ quan y tế liên bang Mỹ khuyến cáo "tạm ngừng" sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson vì lý do "thận trọng", trong bối cảnh Mỹ đang điều tra mối liên hệ có thể có giữa việc tiêm vaccine này với tình trạng hình thành huyết khối của người được tiêm phòng. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) và các trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) đang tiến hành đánh giá "những dấu hiệu đáng lưu ý tiềm tàng" trong 6 ca tiêm phòng có xuất hiện huyết khối. FDA cho biết, "trong khi chờ tiến trình này hoàn tất, chúng tôi khuyến cáo tạm ngừng" tiêm vaccine của Johnson & Johnson.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 13,8 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 172.100 trường hợp thiệt mạng. Ngày 13/4, Ấn Độ báo cáo hơn 185.200 trường hợp nhiễm mới, mức cao kỷ lục.
Hàng chục nghìn tín đồ theo đạo Hindu của Ấn độ đã tập trung bên bờ sông Hằng để tham gia một trong những lễ hội lớn nhất trong năm. Nhiều người không đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội. Lễ hội kéo dài suốt tháng 4 trong thời điểm các ca nhiễm mới tăng kỷ lục. Điều này làm dấy lên lo ngại sẽ làm trầm trọng thêm tình hình bệnh dịch trong bối cảnh nước này đã vượt Brazil trở thành vùng dịch lớn thứ 2 chỉ sau Mỹ. Trước tình hình này, Ấn độ đã phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine Sputnik V của Nga nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận hơn 78.500 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm lên trên 13,5 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 358.400 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.
Số ca mắc mới trong ngày 13/4 tại Ấn Độ cao kỷ lục kể từ đầu dịch. (Ảnh: AP)
Tại châu Âu, Bộ Y tế Pháp cho biết, số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị trong các khu chăm sóc đặc biệt đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay với 5.916 người, dù nước này đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc mới. Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận thêm 345 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi trên cả nước lên hơn 99.400 ca. Nước này cũng thông báo có thêm hơn 39.100 ca nhiễm mới, đưa tổng số người bệnh lên trên 5,1 triệu trường hợp, cao thứ tư trên thế giới.
Tuy nhiên, trong vòng 3 tuần qua, mức tăng số ca nhiễm mới theo tuần trung bình là khoảng 5,6%, thấp hơn nhiều so với mức hai con số ghi nhận trong hầu hết mùa thu năm 2020. Đáng chú ý, số ca nhiễm tại Pháp tăng từ tháng 3 đến nay chủ yếu do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Brazil. Trong động thái nhằm ngăn dịch lây lan thêm nữa, ngày 13/4, Pháp thông báo đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ Brazil cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Trong khi đó, Nga cũng quyết định đình chỉ khai thác các tuyến đường bay tới Thổ Nhĩ Kỳ và Tanzania trong 6 tuần do tình hình dịch bệnh COVID-19 tại hai nước này đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng nghiêm trọng. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/4 - 1/6, được đưa ra căn cứ diễn biến dịch bệnh tại hai nước. Từ đầu tháng 3 đến nay, Nga ghi nhận nhiều ca mới là công dân Nga bị lây nhiễm tại Thổ Nhĩ Kỳ trở về nước.
Nga hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 5 trên thế giới, sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Pháp. (Ảnh: AP)
Chính phủ Malaysia sẽ kéo dài lệnh hạn chế đi lại thêm 2 tuần trên toàn bộ đất nước. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh nước này lo ngại có thể phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ tư. Tình hình dịch bệnh tại Malaysia một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ quá tải hệ thống y tế.
Theo quyết định vừa được công bố, thủ đô Kuala Lumpur và các bang Johor, Kelantan, Penang, Selangor, Sarawak sẽ kéo dài thêm 2 tuần lệnh hạn chế đi lại có điều kiện từ ngày 15/4 (riêng Sarawak từ ngày 13/4). Trong khi đó, 8 bang còn lại cùng với 2 lãnh thổ liên bang khác là Putrajaya và Labuan tiếp tục thực hiện lệnh hạn chế di chuyển cho thời kỳ phục hồi (RMCO) từ ngày 15/4 đến ngày 28/4. Chính phủ Malaysia nhấn mạnh, các lệnh phong tỏa này chưa cho phép người dân đi lại giữa các bang mà chỉ cho phép đi lại giữa các quận.
Malaysia hiện vẫn ở trong làn sóng COVID-19 thứ 3, bắt đầu từ tháng 9/2020. Tuy nhiên, số liệu cho thấy, số ca COVID-19 mới hàng ngày vẫn duy trì ở mức 4 con số, trong khi tình hình dịch bệnh ở các khu vực chưa ổn định. Tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày vẫn có chiều hướng gia tăng.
Chính quyền thủ đô Phnom Penh của Campuchia đã quyết định kéo dài các biện pháp hành chính thêm 2 tuần nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 lây nhiễm khá phức tạp, đặc biệt là lây nhiễm chéo tại khu vực chợ Orussey và nhà máy may mặc Din Han, chính quyền thủ đô Phnom Penh quyết định kéo dài thời gian giới nghiêm thêm 2 tuần và cấm các cơ sở kinh doanh ăn uống nhận tiếp khách, chỉ cho phép bán mang về. Trong 5 ngày qua, đã có hơn 700 công nhân tại quận Meanchey bị nhiễm COVID-19 liên quan tới nhà máy may mặc Din Han.
Phnom Penh là điểm nóng lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 ở Campuchia. (Ảnh: AP)
Ngày 12/4, Campuchia phát hiện thêm 179 ca nhiễm COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có đến 140 ca ở thủ đô Phnom Penh, chủ yếu liên quan đến chợ Orussey và nhà máy may mặc Din Han. Ngày 23/4, Campuchia báo cáo 181 người nhiễm virus SARS-CoV-2 mới. Như vậy, hiện Campuchia có gần 4.700 người nhiễm bệnh, bao gồm 33 trường hợp thiệt mạng.
Thái Lan thông báo ghi nhận 965 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên trên 34.500 trường hợp, trong đó 97 người tử vong. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới gần mốc 1.000 ca. Trong số ca mắc mới ghi nhận trong 24 giờ qua, 956 trường hợp là lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện vẫn còn 6.190 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại Thái Lan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!