Cá chết nổi trắng trên sông Xiria gần Volos, miền Trung Hy Lạp, ngày 28/8 năm 2024 (Ảnh: AFP)
Theo tin vào ngày 31/8 của hãng Thông tấn nhà nước Hy Lạp, tình trạng khẩn cấp sẽ kéo dài 1 tháng, theo đó cho phép tập trung ngân sách và nguồn lực để làm sạch khu vực cảng vịnh Pagasetic.
Nhà chức trách Hy Lạp đang khẩn trương tiến hành thu gom hàng trăm nghìn xác cá chết bị dạt vào một cảng du lịch tại thành phố Volos. Theo Reuters, cá chết đã phủ kín vùng cảng, bốc mùi vô cùng khó chịu. Hiện tượng trên kéo dài dọc theo bờ biển tới tận trung tâm vịnh Pagasetic.
Ông Achileas Beos, thị trưởng thành phố Volos cho rằng, việc cá chết bất thường kể trên có thể "gây ra thảm họa môi trường, đe dọa quần thể các loài khác sinh sống cùng khu vực".
Cá chết đặc kín trên mặt nước của cảng Volos, miền Trung Hy Lạp, ngày 28/8 (Ảm: AFP)
Hàng tấn cá chết đã dồn ứ lại dọc các bờ biển và các con sông ở đây. Chỉ riêng trong ngày 27/8 vừa qua, nhà chức trách địa phương đã phải dọn dẹp 57 tấn cá chết trên các bãi biển gần Volos. Ngoài dùng các tàu lớn, lực lượng chức năng cũng đặt các tấm lưới đặc biệt ở cửa sông Xiria để thu gom cá chết.
Các chuyên gia nhận định hiện tượng trên là hệ quả kéo dài của cơn bão lịch sử Daniel hồi tháng 9/2023. Cơn bão lớn nhất từng được ghi nhận tại Hy Lạp vào thời điểm đó đã nhấn chìm vùng đồng bằng Thessaly, trong khi các hệ thống lưới bảo vệ lại không được bố trí tại các cửa sông. Điều này khiến hàng trăm nghìn cá thể cá nước ngọt đã bị cuốn vào vịnh Pagasetic và chúng đã chết ngay khi tiếp xúc với nước mặn.
Một công nhân đang thu gom cá chết lên một con tàu gắn vào cần cẩu di động để loại bỏ cá chết trôi nổi trên sông Xiri, ngày 28/8 (Ảnh: AFP)
Đây là thảm họa môi trường thứ hai xảy ra tại cảng Volos sau trận lụt kinh hoàng ở vùng Thessaly hồi năm 2023, trong đó mực nước trong một hồ trong khu vực dâng cao hơn 3 lần so với bình thường. Theo phân tích của Giáo sư Dimitris Klaudatos chuyên về nông nghiệp và môi trường tại Đại học Thessaly, cơn bão Daniel và Elias hồi năm 2023 đã làm ngập các vùng đồng bằng có diện tích khoảng 20.000 ha, cuốn trôi một lượng lớn cá nước ngọt từ sông ra biển.
Lượng khách du lịch tới vùng này đã giảm 80% trong năm 2023 và tình trạng này được cho là sẽ tồi tệ hơn do thảm họa cá chết hiện nay.
Sự cố tại Volos cũng gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng biến đổi khí hậu - bao gồm tình trạng nóng lên toàn cầu, cháy rừng và lũ lụt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!