Theo Thứ trưởng Harbuwono, cho tới nay Indonesia đã ghi nhận 3 ca mắc BA.2.75 nhưng không có bệnh nhân nào quá nghiêm trọng, trong đó có một trường hợp là du khách quốc tế đến Bali. Hiện nguồn gốc lây nhiễm ca bệnh tại Jakarta đang được xác định với nhận định khả năng có lây nhiễm trong cộng đồng.
Ông Harbuwono cho biết thêm, 3 ca nói trên đã được xác định một tuần trước thông qua giải trình tự bộ gene virus ở các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2.
Biến thể phụ BA.2.75 của Omicron có tốc độ lây lan nhanh nhưng tỷ lệ nhập viện không cao và mức độ ít nghiêm trọng. Do vậy, Bộ Y tế Indonesia khuyến cáo người dân không nên quá hoảng sợ, tiếp tục tham gia tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 và tuân thủ các quy định về phòng chống dịch để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể phụ mới, do BA.2.75 có các đặc điểm tương tự như các biến thể phụ BA.4 và BA.5.
Tổng thống Indonesia chỉ đạo đẩy nhanh việc tiêm mũi vaccine tăng cường. (Ảnh: AP)
Giới chức y tế Indonesia dự báo, làn sóng biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron có thể đã đạt đỉnh trong tuần này trong bối cảnh tiếp tục ghi nhận những ca mắc đầu tiên của biến thể thế hệ thứ 2 BA.2.75.
Nhiều chuyên gia y tế đã đưa ra cảnh báo về thách thức liên quan sự xuất hiện của biến thể BA.2.75 với khả năng lây lan nhanh chóng, có thể "né" kháng thể sản sinh từ phản ứng miễn dịch và các lần mắc COVID-19 trước đo, khiến nguy cơ tái nhiễm tăng. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế Indonesia, BA.2.75 không quá nguy hiểm với tỷ lệ nhập viện không cao và mức độ nghiêm trọng không phải ở mức nguy hiểm.
Tại cuộc họp vào ngày 18/7, Tổng thống Indonesia Joko Widodo chỉ đạo đẩy nhanh việc tiêm mũi vaccine tăng cường và yêu cầu giấy chứng nhận tiêm phòng vaccine để tổ chức các sự kiện với mục tiêu bảo vệ cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!