Trung bình mỗi người dân Jakarta, Thủ đô Indonesia, lãng phí 10 năm tuổi thọ để chen lấn nhau trên những con đường kẹt cứng xe cộ. Mặc dù Thủ đô Jakarta đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế số lượng xe ô tô trên đường vào giờ cao điểm như quy định ngày lưu thông xe biển số chẵn lẻ - biện pháp được thực thi sau khi quy định phải có ít nhất 3 người đi chung một xe bị bãi bỏ sau hơn một năm thí điểm.
Một giải pháp được cho là khả thi là xây dựng tàu điện ngầm, tuy nhiên liệu đây đã phải là phương án tối ưu cho thành phố, vẫn là một câu hỏi đang chờ lời giải đáp. Vào giờ cao điểm ở Thủ đô Jakarta, Indonesia, từng đoàn xe nối dài trên các con phố, tắc đường là tình trạng đã quá quen thuộc tại thành phố hơn 10 triệu dân này.
Và trong tình trạng giao thông ùn ứ, ngay cả đoàn xe của Tổng thống cũng không thể tìm được lối thoát. Vào đầu tháng 10 năm nay, khi trên đường tham dự lễ duyệt binh kỉ niệm 72 năm thành lập quân đội Indonesia tại thành phố Cilegon, cách Thủ đô Jakarta 2,5 tiếng lái xe, do đường quá đông nên Tổng thống Joko Widodo đã quyết định xuống xe và đi bộ 2km để đến lễ duyệt binh kịp giờ.
Số liệu thống kê năm 2016 cho thấy Jakarta là thành phố có tình trạng giao thông tắc nghẽn tồi tệ nhất thế giới, trung bình mỗi lái xe phải dừng đỗ trên đường 33.000 lần/năm, dẫn đến hệ lụy môi trường là 70% khí gây ô nhiễm đến từ khí thải của phương tiện giao thông.
Để giải quyết tình trạng này, Indonesia đã hợp tác với Nhật Bản xây dựng hệ thống tàu điện ngầm MRT tại Jakarta trị giá khoảng 1,1 tỉ USD.
Nằm sâu dưới những con đường thường xuyên xảy ra kẹt xe tại Jakarta, tuyến đường sắt dài 110km với 13 trạm xe điện dự kiến phục vụ 173.000 lượt khách mỗi ngày. Ngoài ra, hệ thống tàu điện ngầm sẽ dần thay thế cho xe bus, phương tiện di chuyển chính hiện nay, góp phần bảo vệ môi trường.
Theo số liệu năm 2016, tình trạng tắc nghẽn gây thiệt hại cho nền kinh tế Indonesia lên tới 5,5 tỷ USD/năm. Cùng một quãng đường nếu đi mất khoảng nửa tiếng vào ban đêm nhưng có thể lên tới 4 - 8 tiếng vào ban ngày.
Xây dựng hệ thống tàu điện ngầm MRT được coi là biện pháp khả thi cho tình hình giao thông tại đất nước vạn đảo. Tuy nhiên, hệ thống tàu điện ngầm không thể ngăn người dân từ bỏ mong muốn sở hữu phương tiện cá nhân.
Dự kiến đến năm 2040, dân số của "Siêu thành phố Jakarta mở rộng" lên đến 40 triệu người, đặt câu hỏi liệu Jakarta có tìm ra giải pháp giao thông hữu hiệu hay nỗi ám ảnh về thời gian lãng phí vì mắc kẹt trên đường vẫn tiếp tục tồn tại.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!