Tổng Giám đốc IAEA Grossi (trái) và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Abbas Araghchi (Ảnh: AP)
Thông tin trên được đưa ra trước cuộc họp Đại Hội đồng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế trong tuần này.
"Mọi nỗ lực và trọng tâm của chúng tôi trong các cuộc đàm phán là để cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế thực hiện công việc chuyên môn của mình tránh xa áp lực phá hoại và xấu xa của một số bên" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hàng tuần của mình.
Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Rafael Grossi (IAEA) đã đến Iran vào ngày 13/11 để hội đàm với các quan chức cấp cao nước này, bao gồm cả Tổng thống Masoud Pezeshkian. Chuyến thăm diễn ra trước cuộc họp của Đại Hội đồng IAEA vào tuần này tại Vienna (Áo), trong đó Anh, Đức và Pháp dự kiến sẽ thông qua một nghị quyết mới chỉ trích Iran.
Ông Baghaei bày tỏ hy vọng rằng các bên sẽ "cho phép những vấn đề giữa Iran và cơ quan này tiếp tục diễn ra về mặt kỹ thuật, tránh xa áp lực và cân nhắc chính trị". Ông ca ngợi chuyến thăm của Tổng Giám đốc IAEA Grossi là "có lợi và tích cực", nói rằng nó mang lại "sự hiểu biết tốt đẹp" giữa Tehran và cơ quan này.
Tổng Giám đốc IAEA Grossi (trái) bắt tay Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Abbas Araghchi tại Tehran, Iran, ngày 14/11 (Ảnh: AP)
Tổng thống Iran Pezeshkian cho biết trong cuộc gặp với ông Grossi rằng Tehran sẵn sàng giải quyết "những nghi ngờ và sự mơ hồ" về chương trình hạt nhân của nước này.
Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới đã mang lại cho Iran sự nới lỏng lệnh trừng phạt rất cần thiết nhằm đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran - mà nước này luôn khẳng định là vì mục đích hòa bình.
Tuy nhiên, Thỏa thuận hạt nhân Iran đã sụp đổ và các lệnh trừng phạt Iran đã được tái áp đặt sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đáp lại, Iran đã hủy bỏ các cam kết theo thỏa thuận, tăng mức làm giàu urani lên 60%, thấp hơn 30% so với mức cần thiết để sản xuất bom hạt nhân.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Iran Abbas Araghchi hôm 16/11 cho biết "vẫn còn cơ hội ngoại giao" về chương trình hạt nhân của nước này, tuy nhiên mô tả đó là "cơ hội hạn chế". Ông nói thêm rằng Iran đã sẵn sàng cho cả "đối đầu" và "hợp tác", tùy thuộc vào con đường mà các bên khác lựa chọn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!