Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, đây là bước chuyển mang tính lịch sử nhằm giúp các nước nghèo được tiếp cận với các vaccine phòng bệnh.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Dự án uy tín này sẽ đem lại bước chuyển thiết thực trong giải quyết vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta đang phải đối mặt là công bằng trong đại dịch, để điều này không tái diễn nữa”.
Trung tâm này được đặt tại thành phố Cape Town của Nam Phi và từng sản xuất vaccine công nghệ mRNA trong phòng thí nghiệm và hiện đang nhân rộng và được cấp phép sản xuất vaccine của Moderna phục vụ thương mại.
Vaccine theo công nghệ này có thể được bảo quản ở nhiệt độ tương đối ấm, phù hợp với điều kiện kinh tế tài chính eo hẹp tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Vai trò khác của trung tâm trên là định hướng cho các nhà sản xuất tại các nước nghèo, giúp họ có được kiến thức để sản xuất vaccine công nghệ mRNA với số lượng lớn và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Đại dịch COVID-19 đã bùng phát từ đầu năm 2020, khiến châu Phi phụ thuộc rất lớn vào vaccine nhập khẩu.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Phi (CDC), đến nay chỉ gần 50% trong số 1,2 tỷ dân châu lục này đã được tiêm đủ mũi vaccine COVID-19 cơ bản.
Với sự hỗ trợ của WHO, dự án Cape Town do công ty dược phẩm sinh học Biovac của Nam Phi, công ty công nghệ sinh học Afrigen và Hội đồng Nghiên cứu dược phẩm Nam Phi phối hợp vận hành.
Trung tâm có tiềm năng mở rộng sản xuất các loại vaccine và sản phẩm khác như insulin để điều trị tiểu đường, thuốc chữa ung thư và có thể các vaccine phòng các bệnh như sốt rét, lao phổi và HIV.
Quỹ vận hành trung tâm hiện có 117 triệu USD, chủ yếu do Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Đức và Canada đóng góp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!