Nếu như vào năm 2020, khi đại dịch bắt đầu, các lệnh giãn cách xã hội trên toàn thế giới do COVID-19 đã phần nào hạ nhiệt các vấn đề về môi trường như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước thì đến năm 2021, COVID-19 lại dần khiến cuộc khủng hoảng môi trường trở nên trầm trọng. Những chiếc khẩu trang - vũ khí quan trọng để bảo vệ con người trước COVID-19, lại là kẻ thù của môi trường.
Những chiếc khẩu trang dùng 1 lần, hay trang phục bảo vệ của nhân viên y tế, găng tay dùng một lần đều được coi như là rác thải y tế. Vì thế, chúng không thể tái sử dụng. Và rồi, khi người dân vứt bỏ chúng không đúng quy định, không ít trong số đó đã trôi dạt ra biển.
Các nhà khoa học dự báo, lượng khí thải carbon toàn cầu trong năm nay sẽ quay trở về mức trước đại dịch. Tại Trung Quốc, lượng khí thải thậm chí còn tăng lên do sử dụng than đá. Người dân thế giới hiện đang gia tăng đi lại bằng phương tiện cá nhân để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc tăng khí thải từ các phương tiện. Ngoài ra, việc các nền kinh tế phục hồi, người dân mua sắm nhiều hơn, sản xuất công nghiệp phát triển cũng là một phần nguyên nhân thúc đẩy các hành động gây hại cho môi trường.
"Chúng ta cần hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần. Ngoài ra, các chính phủ cũng cần phải chú trọng vào việc xử lý rác thải. Ví dụ như ở nhiều nơi, người dân vứt rác, nhưng những thùng rác lại để hở, vì thế đôi khi rác thải bị thổi bay ra ngoài, rơi vào cống và rồi bị xả ra biển", ông Gary Stokes - Giám đốc Tổ chức Ocean Asia nói.
Các chính phủ cũng được khuyến cáo nên thực hiện đánh thuế môi trường cao, gia tăng giáo dục, khuyến khích người dân thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!