Không có triển vọng đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Ukraine và Nga

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 06/08/2023 09:59 GMT+7

VTV.vn - Hội nghị thảo luận về con đường hòa bình được tổ chức khi chiến sự Nga -Ukraine vẫn diễn ra ác liệt, khiến nhiều nước hoài nghi về triển vọng này.

Hội nghị thảo luận về con đường hòa bình cho xung đột tại Ukraine ở Jeddah là nỗ lực mới nhất của Saudi Arabia nhằm khẳng định vai trò trung gian tích cực, thúc đẩy tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho xung đột. Có khoảng hơn 30 quốc gia tham gia hội nghị, trong đó có Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu, Anh, Nam Phi, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản.

Quyết định tổ chức các cuộc đàm phán tại Riyadh là rất quan trọng với Ukraine. Đảm bảo sự hỗ trợ toàn cầu đối với kế hoạch hòa bình 10 điểm của Ukraine là một thách thức đối với chính quyền Kiev kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước này. Phía Ukraine cho biết, đang cố gắng thu hút sự ủng hộ của càng nhiều quốc gia càng tốt.

Ông Ihor Zhovkva - Trưởng nhóm cố vấn về ngoại giao của Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết: "Một trong những mục đích chính của hội nghị này là thúc đẩy những hiểu biết chung về kế hoạch hòa bình 10 điểm của Ukraine, kế hoạch này nói về điều gì, công thức của kế hoạch là gì, mục đích của mỗi điểm trong kế hoạch".

Mỹ và các nước phương Tây cũng ủng hộ nỗ lực của Ukraine đối với kế hoạch hòa bình 10 điểm. Ông Matthew Miller - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Tất nhiên, chúng tôi ủng hộ hội nghị thượng đỉnh này. Chúng tôi từ lâu đã nói rằng điều quan trọng là Ukraine phải là người trực tiếp nói đến các giải pháp ngoại giao tiềm năng cho cuộc xung đột. Trong khi đó, nhiều quốc gia chưa nghe trực tiếp về kế hoạch hòa bình của Ukraine. Vì thế, chúng tôi hài lòng khi có các quốc gia tham dự hội nghị để nghe Ukraine trực tiếp trình bày".

Không có triển vọng đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Ukraine và Nga - Ảnh 1.

Kế hoạch hòa bình 10 điểm của Ukraine được Tổng thống Zelensky giới thiệu lần đầu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11/2022, với các điểm chính tập trung vào việc đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, yêu cầu Nga rút hết quân đội, các lực lượng vũ trang khỏi lãnh thổ Ukraine, ngăn ngừa leo tháng xung đột, công nhận chiến tranh kết thúc; thành lập 1 tòa án đặc biệt để thảo luận về hoạt động của Nga; đi kèm với đó là việc đảm bảo các yêu cầu về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an toàn bức xạ và hạt nhân.

Hội nghị Jeddah được tổ chức khi chiến sự giữa Nga và Ukraine diễn ra rất ác liệt, khiến nhiều nước hoài nghi về triển vọng đạt được hòa bình. Nhất là khi chưa có dấu hiệu cho thấy Nga và Ukraine ngồi lại được với nhau trên bàn đàm phán.

Tổng thống Brazil Lula da Silva chia sẻ: "Brazil đóng vai trò là một quốc gia đang cố gắng tìm kiếm con đường đi đến hòa bình, nhưng hiện tại, chúng tôi chưa nghe nói gì về việc Tổng thống Zelensky và Tổng thống Putin muốn sẽ dừng xung đột để ngồi vào bàn thương lượng".

Các nhà quan sát nhận định, khó có thể mong đợi bước đột phá từ hội nghị, nhưng việc hội nghị Jeddah quy tụ các được hầu hết các cường quốc khu vực và thế giới cũng như các nước đang phát triển hàng đầu cho thấy sự quan tâm của toàn cầu đối với chấm dứt cuộc xung đột Nga, Ukraine. Bên cạnh đó, sự tham gia của các nước Trung Đông như Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ vào tiến trình tìm kiếm hòa bình là một chỉ dấu quan trọng cho thấy vai trò của các cường quốc khu vực tầm trung đối với các vấn đề toàn cầu.

Không có triển vọng đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Ukraine và Nga - Ảnh 2.

Khó đạt được đột phá trong xung đột Nga - Ukraine

Rõ ràng với sự vắng mặt của Nga thì khó mà kỳ vọng gì vào một bước tiến gì mang tính đột phá trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Nhưng dư luận Trung Đông thì cũng cho rằng chớ vội nghĩ đây sẽ chỉ là một diễn đàn, chỉ nói mà không hướng tới kết quả thực chất, bởi dù sao thì đây cũng là sự kiện tìm giải pháp cho cuộc xung đột Nga - Ukraine, mà tập hợp được sự tham gia đa dạng nhất của các quốc gia đang có những tiếng nói đang kể nhất hiện nay, tương tác được với cả Nga lẫn Ukraine, như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia...

Trong một kết quả tích cực nhất, theo dư luận Trung Đông thì hội nghị có thể mở ra một nền tảng nào đó để dẫn dắt cho các cuộc thảo luận hòa bình trực tiếp giữa Ukraine và Nga trong tương lai. Người ta kỳ vọng hội nghị lần này sẽ tìm thấy được một đề xuất mang tính nhượng bộ của Ukraine. Cho dù ban đầu có thể còn khiêm tốn, hay về hình thức bên ngoài có thể vẫn là vì những lợi ích chung, như nhân đạo hay an ninh lương thực toàn cầu.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang rất tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Putin tới nước này trong tháng 8. Nếu hội nghị ngày hôm nay đạt một bước tiến nào đó, thì một cuộc gặp nếu có trong tháng 8 tới đây giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Nga Putin hẳn sẽ là sự tiếp nối lý tưởng để những nhà trung gian hòa giải Trung Đông có thể tiếp tục đi tìm một thiện chí từ phía Nga.

Vai trò hòa giải tích cực của Trung Đông

Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã là đóng vai trò chính trong việc trung gian để Nga và Ukraine quyết định trao trả gần 300 tù binh cho nhau, trong đó có cả hai công dân Mỹ. Đây là điều mà chưa một cường quốc nào khác làm được trong cuộc xung đột Nga – Ukraine cho tới nay. Thậm chí ở Trung Đông, quan điểm còn cho rằng, sau này khi nhìn lại cuộc xung đột Nga - Ukraine thì sự nổi lên của những cường quốc khu vực, hay một số nhà quan sát vẫn gọi là những cường quốc bậc trung trên trường quốc tế như Thổ Nhĩ Kỳ hay Saudi Arabia trong các vấn đề toàn cầu sẽ phải được ghi nhận như một hiện tượng mà lịch sử chưa từng thấy trước đây.

Không có triển vọng đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Ukraine và Nga - Ảnh 3.

Ở một góc độ khác cũng cần thấy rằng, nếu như cuộc xung đột Nga - Ukraine từng khiến nhiều người lo ngại về một cuộc chiến tranh lạnh mới. Thì chính sự nổi lên của những cường quốc như Saudi Arabia, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ với vai trò trung gian sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ thế giới rơi trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh.

Trong những hoài nghi về triển vọng khởi động lại đàm phán Nga - Ukraine, thì sự tham gia tích cực của các nước trung lập là một điểm sáng tích cực. Nhưng Hội nghị hòa bình Jeddah được tổ chức khi giao tranh giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ukraine đang tiến hành chiến dịch phản công mà họ rất kỳ vọng để lật ngược tình thế, nhưng kết quả của cuộc phản công này thật khiêm tốn.

Theo bản đồ cập nhật của Viện nghiên cứu chiến tranh, một tổ chức theo dõi cuộc chiến tại Mỹ, Màu đỏ là phần lãnh thổ Nga đang kiểm soát, màu xanh dương là phần lãnh thổ Ukraine giành lại được, trong khi màu vàng là phần lãnh thổ Nga kiểm soát thêm được so với các ngày trước. Dễ dàng nhìn thấy phần màu xanh là không có nhiều.

Chiến dịch phản công của Ukraine chưa hiệu quả

Theo Viện nghiên cứu chiến tranh, trong những ngày qua, chiến dịch phản công của Ukraine tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam ở Zaporizhia và Melitopol. Ukraine cũng đánh bật các lực lượng phòng thủ của Nga tại một ngôi làng gần thành phố Bakhmut ở phía Bắc.

Bắt đầu chiến dịch phản công từ tháng 6, đến nay Ukraine không giành được nhiều phần lãnh thổ. Theo giới quan sát phương Tây, nguyên nhân một phần là do người Nga đã thấy trước ý đồ và dành nhiều tháng để xây dựng các công sự có 3 lớp gồm boongke, bãi mìn và mương chống tăng. Một trở ngại lớn đối với bất kỳ bước tiến nào của Ukraine.

Không có triển vọng đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Ukraine và Nga - Ảnh 4.

Ông Oleksiy Danilov - Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine nói: "Trung bình mỗi mét vuông có 3-4-5 quả mìn. Hãy tưởng tượng công việc khó khăn như thế nào để loại bỏ chúng để cho phép quân đội của chúng tôi di chuyển sau đó"

Volodymyr - Người rà phá bom mìn: "Chúng tôi mất một binh lính mỗi ngày, bị thương hoặc chết - đó là một công việc nguy hiểm. Ngay cả khi một lữ đoàn tiến lên, hoặc chỉ 10-12 người ra ngoài làm nhiệm vụ, thì lính rà mìn luôn đi trước. Điều đó rất nguy hiểm".

Về phía Nga, Các lực lượng vũ trang đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukrainae theo hướng Krasny Liman và Donetsk, đồng thời tiếp tục tiến hành các chiến dịch tấn công theo hướng Kupiansk.

Tại các hướng Zaporizhzhia và Kherson, các lực lượng Nga tập trung nỗ lực ngăn chặn các bước tiến xa hơn của Ukraine. Nga không công bố về thiệt hại cũng như thương vong trong thời gian diễn ra cuộc phản công của Ukraine. Hôm thứ Sáu vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đi thị sát một khu vực chiến sự ở Ukraine, quan chức này đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết của việc "tung đòn phủ đầu nhằm đánh bật các lực lượng Kiev ra khỏi vị trí và bảo đảm tối đa an toàn tính mạng cũng như sức khỏe cho binh lính Nga".

Khi không tiến xa được trên thực địa, Kiev bắt đầu triển khai tấn công bằng thiết bị không người lái. Hôm qua, máy bay không người lái (UAV) của Ukraine tấn công một tàu chở dầu của Nga ở eo biển Kerch, khiến giao thông trên cây cầu chiến lược nối Crimea với Nga bị gián đoạn trong thời gian ngắn.

Không có triển vọng đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Ukraine và Nga - Ảnh 5.

Hôm thứ Sáu, Ukraine tuyên bố cuộc tấn công trước đó cùng ngày bằng xuồng không người lái nhằm vào tàu đổ bộ Olenegorsky Gornyak tại căn cứ hải quân Novorossiysk ở miền Nam nước Nga đã diễn ra "thành công". Ngoài ra, một số địa điểm ở thủ đô Moscow, Nga cũng bị tấn công bằng máy bay không người lái. Nga cáo buộc Ukraine thực hiện các cuộc tấn công này. Cuộc đối đầu giữa hai bên ngày càng tăng độ khốc liệt.

Nga và vấn đề đàm phán hòa bình giải quyết xung đột

Hội nghị hòa bình tại Jeddah là nỗ lực lớn thứ ba nhằm dò đường kết thúc chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Sau khi các cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ đổ vỡ vào cuối tháng 3/2022, hồi tháng 2 năm nay Trung Quốc đã khởi động các nỗ lực trung gian hòa giải và đưa ra kế hoạch hòa bình của Trung Quốc. Tháng 6 vừa qua, một số nước châu Phi cũng đưa ra các sáng kiến hòa bình, nhưng không thể khởi động lại các cuộc đàm phán. Về phía Nga, Moscow tuyên bố luôn sẵn sàng đàm phán, nhưng không phải với những điều kiện mà phía Ukraine đưa ra trong kế hoạch 10 điểm.

Ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn Điện Kremlin: "Tất nhiên chúng tôi sẽ theo dõi sát hội nghị này. Như chúng tôi đã nhiều lần nói rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm đóng góp vào việc giải quyết hòa bình xung đột Ukraine đều đáng được đánh giá tích cực".

Không có triển vọng đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Ukraine và Nga - Ảnh 6.

Đối với kế hoạch hòa bình 10 điểm của Tổng thống Ukraine, Nga tái khẳng định cuộc xung đột không thể được giải quyết nếu Kiev không tôn trọng quyền của các nhóm người thiểu số, đặc biệt là người gốc Nga. Moscow coi các điều khoản được Ukraine đề xuất là không thể chấp nhận được. Nga cũng khẳng định đối thoại phải từ hai phía, nhưng bây giờ chưa phải là thời điểm thích hợp do Ukraine vẫn từ chối đối thoại.

Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Chúng tôi đồng ý với các bạn rằng mọi vấn đề nên được giải quyết thông qua đàm phán. Nhưng vấn đề là Ukraine từ chối đối thoại với chúng tôi. Tổng thống Ukraine đã ký một sắc lệnh cấm mọi cuộc đàm phán với Nga".

Trong khi Ukraine với sự hỗ trợ của phương Tây tìm kiếm sự ủng hộ đối với kế hoạch hòa bình của mình, Nga cũng phối hợp hành động với các quốc gia thân thiện về một giải pháp hòa bình phù hợp hơn với Moscow. Theo đó, Nga cho biết sẽ tiếp tục đối thoại với Trung Quốc, Brazil, các đối tác châu Phi về các triển vọng đối với giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.

Tổng thống Brazil Lula da Silva thì gợi ý, có thể lãnh đạo một "câu lạc bộ hòa bình" gồm các quốc gia không tham chiến và không liên kết về mặt quân sự, để làm trung gian cho các cuộc thảo luận giữa hai bên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

Ukraine và Nga

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước