Trong một cuộc phỏng vấn với kênh Channel 14 ngày 29/11, Thủ tướng Netanyahu cho biết: "Tôi nghĩ các điều kiện đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn rất nhiều". Tuy nhiên, Thủ tướng Israel không nêu thông tin cụ thể.
Trước đó, Thủ tướng Netanyahu nói rằng Israel sẽ treo giải thưởng 5 triệu USD cho bất kỳ ai giải cứu được một con tin bị giam giữ ở Gaza.
"Bất kỳ ai giải cứu được một con tin sẽ tìm được một con đường an toàn để họ và gia đình họ rời khỏi" Gaza, ông Netanyahu nói trong một đoạn video được quay bên trong lãnh thổ Palestine, theo Văn phòng Thủ tướng Israel.
Đội mũ bảo hiểm và mặc áo chống đạn, ông Netanyahu nói về phần thưởng, trong khi quay lưng về phía Địa Trung Hải tại Hành lang Netzarim, tuyến đường tiếp tế quân sự chính của Israel chia Dải Gaza thành hai phần ngay phía nam thành phố Gaza.
"Bất kỳ ai dám làm hại con tin của chúng tôi đều bị coi là đã chết. Chúng tôi sẽ truy đuổi và bắt kịp các người", ông Netanyahu cảnh báo.
Thủ tướng Netanyahu vẫn nhấn mạnh rằng một trong những mục tiêu chiến tranh của Israel vẫn là "Hamas không thể cai trị ở Gaza".
"Chúng tôi vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các con tin và đưa họ về nhà. Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc, sẽ tiếp tục cho đến khi tìm thấy tất cả bọn họ, dù còn sống hay đã chết".
Cuộc chiến Israel-Hamas đã phá hủy gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng ở Gaza (Ảnh: UNICEF)
Trong cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023 châm ngòi cuộc chiến ở Gaza, nhóm Hamas đã bắt giữ 251 con tin Israel. Trong số đó, 97 người vẫn bị giam giữ ở Gaza, bao gồm 34 người được xác nhận là đã chết.
Trong bối cảnh Israel đối mặt với những cáo buộc ngăn hàng viện trợ tiếp cận Gaza, quân đội nước này cùng ngày 28/11 đã cho giới truyền thông thấy hoạt động viện trợ đến vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine thông qua cửa khẩu Kerem Shalom.
Trong chuyến thăm đầu tiên của giới truyền thông tới cửa khẩu Kerem Shalom phía Gaza, cửa khẩu quan trọng nhất cho hoạt động viện trợ nhân đạo, các phóng viên đã thấy những chiếc xe tải chở hàng viện trợ chủ yếu từ Ai Cập, Jordan, Bờ Tây và chính Israel, cũng như các tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Rahma Worldwide và World Food Kitchen. Công tác phân phối hàng viện trợ do các cơ quan viện trợ quốc tế điều phối.
Gaza vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng (Ảnh: UNICEF)
Đại tá Abdullah Halabi, người đứng đầu cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Israel phụ trách các vấn đề dân sự tại các vùng lãnh thổ của Palestine, thông báo trong ngày 28/11, hơn 800 xe tải đang chờ cộng đồng quốc tế tiếp nhận và chuyển đến người dân ở Gaza. Hàng hóa thường phải chờ ở Kerem Shalom phía Gaza, cửa khẩu tại cực Nam của Israel, trong nhiều tháng.
Các cơ quan viện trợ, đặc biệt là Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho Người tị nạn Palestine (UNRWA), cáo buộc chính quyền Israel ngăn xe tải viện trợ cho Gaza. Ông Halabi bác bỏ điều trên và khẳng định không hạn chế xe tải hay lượng hàng viện trợ được phép vào Gaza. Phía Israel nhấn mạnh mọi hàng viện trợ cho Gaza phải được quân đội Israel kiểm tra trước khi vào vùng lãnh thổ này.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo tình trạng thiếu thuốc men, thực phẩm, nơi trú ẩn và nhiên liệu trầm trọng tại Gaza, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc. Thông tin này trên được đưa ra sau khi WHO và các đối tác trong tuần này thực hiện chuyến công tác 3 ngày tới khu vực phía Bắc Gaza.
Phát biểu tại trụ sở của WHO ở Geneva, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho biết 90% những người phải sơ tán từ khi xung đột giữa Israel-Hamas nổ ra vào tháng 10/2023 vẫn đang tạm trú trong các lều trại. Điều này khiến họ có nguy cơ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp và các bệnh khác, trong khi thời tiết lạnh giá, mưa và lũ lụt được dự báo sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực phía Bắc bị phong tỏa, nơi nạn đói đang "rình rập".
Theo đó, WHO kêu gọi Israel cho phép thêm hàng viện trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nhân đạo tại Gaza.
Ngày 27/11, lệnh ngừng bắn kéo dài 2 tháng tại Lebanon giữa quân đội Israel và lực lượng Hezbollah đã chính thức có hiệu lực.
Theo thỏa thuận, Israel phải ngừng thực hiện bất kỳ hoạt động quân sự nào đối với lãnh thổ Lebanon - bao gồm cả các mục tiêu dân sự và quân sự - và các cơ quan nhà nước của Beirut, trên bộ, trên biển và trên không. Ngược lại, nhóm vũ trang ở Lebanon (tức Hezbollah) và các đồng minh của nhóm này cũng chấm dứt hoạt động chống lại Israel.
Trước động thái trên, Liên hợp quốc cùng nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn tại Lebanon, coi đây là bước tiến quan trọng hướng tới chấm dứt cuộc chiến đẫm máu kéo dài gần 14 tháng qua giữa quân đội Israel và Hezbollah.
Ngay sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Hezbollah, một số nhân vật thuộc phe đối lập tại Israel đã kêu gọi Chính phủ nước này cũng phải đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với Hamas tại dải Gaza ngay lập tức. Lập luận mà họ đưa ra là xét về ý nghĩa, thỏa thuận ngừng bắn với Hamas quan trọng hơn nhiều so với thỏa thuận ngừng bắn với Hezbollah. Nguyên nhân là bởi chính Hamas mới là lực lược đang bắt giữ các con tin người Israel trong suốt khoảng thời gian từ ngày 7/10/2023 tới nay.
Như vậy, có thể thấy ở một mức độ nhất định, thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hezbollah có thể tạo động lực và cả sức ép để Chính phủ Israel tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng Hamas.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!