Phụ nữ Afghanistan biểu tình phản đối ở Kabul, tháng 3/2022. (Ảnh: AP)
Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Afghanistan và người đứng đầu Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) Roza Otunbayeva tuyên bố.
Bà Roza Otunbayeva nói với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 21/6 rằng Taliban đã yêu cầu được Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên công nhận, "nhưng đồng thời họ lại hành động chống lại các giá trị chính được thể hiện trong Hiến chương Liên hợp quốc".
Bà Otunbayeva nói: "Trong những cuộc thảo luận thường xuyên của tôi với các nhà chức trách Taliban, tôi thẳng thắn nói về những trở ngại mà họ đã tạo ra cho chính họ với các lệnh cấm và hạn chế mà họ đã ban hành, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Chúng tôi đã thông báo với họ (Taliban) rằng chừng nào các quy định này còn hiệu lực, gần như không thể nào chính quyền của họ được các thành viên cộng đồng quốc tế công nhận".
Chính quyền Taliban tại Afghanistan không được bất kỳ quốc gia nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế nào chính thức công nhận kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 8/2021, khi các lực lượng của Mỹ và NATO đang trong những tuần cuối cùng rút khỏi nước này sau hai thập kỷ chiến tranh.
Taliban ban đầu hứa hẹn một quy tắc ôn hòa hơn so với thời kỳ đầu nắm quyền từ năm 1996 đến năm 2001. Tuy nhiên, kể từ đó, họ bắt đầu thực thi các hạn chế đối với phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm cả việc cấm phụ nữ Afghanistan làm hầu hết các công việc và đi tới những nơi công cộng như công viên, nhà tắm và phòng tập thể dục. Các bé gái cũng bị cấm học sau lớp 6.
Người đứng đầu Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) Roza Otunbayeva. (Ảnh: UNAMA)
Taliban cũng đã nhắc lại lời giải thích về sự nghiêm khắc trong luật Hồi giáo của họ, bao gồm cả các vụ hành quyết công khai.
Bất chấp những lời kêu gọi của Taliban, bà Otunbayeva cho biết không có thay đổi nào liên quan đến những hạn chế đối với phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm cả lệnh cấm vào tháng 4 đối với phụ nữ Afghanistan làm việc cho Liên hợp quốc.
Bà Otunbayeva cho biết, Taliban đã không đưa ra lời giải thích nào cho bà về lệnh cấm, "và không có gì đảm bảo rằng nó sẽ được dỡ bỏ", theo trang UN News.
"Rõ ràng là những sắc lệnh này rất không được lòng người dân Afghanistan. Họ khiến Taliban mất đi tính hợp pháp cả trong nước và quốc tế, đồng thời gây ra đau khổ cho một nửa dân số và gây thiệt hại cho nền kinh tế Afghanistan", bà Otunbayeva tuyên bố, theo UN News.
Bà nói thêm rằng Liên Hợp Quốc vẫn "kiên định" rằng các nữ nhân viên Afghanistan sẽ không bị thay thế bởi các nhân viên nam "như chính quyền Taliban đã gợi ý".
Vào cuối tháng 4, Hội đồng Bảo an đã nhất trí thông qua một nghị quyết kêu gọi Taliban nhanh chóng đảo ngược những ràng buộc ngày càng khắc nghiệt đối với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời lên án lệnh cấm phụ nữ Afghanistan làm việc cho Liên hợp quốc, gọi đó là "điều chưa từng có trong lịch sử của Liên hợp quốc".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!