Trong một tuyên bố chung mới đây, 5 nước Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy đã và đang hợp tác soạn thảo đề xuất Liên minh châu Âu cấm các loại hóa chất vĩnh cửu.
Những loại hóa chất này vốn đang được sử dụng rộng rãi trong sản xuất máy bay, ô tô, hàng dệt may, thiết bị y tế, tua bin điện gió, chảo chống dính... nhằm tăng khả năng chống ăn mòn và chịu nhiệt cao của các sản phẩm.
10.000 loại hóa chất được 5 nước châu Âu đề xuất cấm sử dụng, những hóa chất này có khả năng gây hại cho môi trường và sức khỏe của con người như suy giảm hệ miễn dịch, rối loạn nội tiết tố, ung thư. Đáng chú ý là chúng có thể tồn tại lâu trong đất, nước và không khí bất chấp nhiệt độ khắc nghiệt hay hiện tượng ăn mòn.
Thống kê của 5 quốc gia châu Âu cho biết, năm 2020 có từ 140.000 tấn - 310.000 tấn hóa chất vĩnh cửu được bán ra tại thị trường châu Âu, khiến châu lục này phải chi 52-84 tỷ euro mỗi năm để điều trị y tế cho những người tiếp xúc với hóa chất.
Theo đề xuất, một số loại dược phẩm, sản phẩm thú y, hóa chất bảo vệ thực vật và chất khử trùng không nằm trong danh sách cấm, bởi chúng được quản lý theo các quy định hiện hành còn nghiêm ngặt hơn. Dự kiến Liên minh châu Âu có thể thông qua và áp dụng lệnh cấm từ năm 2026 hoặc 2027. Các nhà máy công nghiệp sẽ có từ 18 tháng - 12 năm để tìm phương án thay thế.
Nếu được thông qua, quy định cấm các loại hóa chất vĩnh cửu là một trong những lệnh cấm lớn nhất với các loại hóa chất tại châu Âu. Các sáng kiến hạn chế sử dụng hóa chất vĩnh cửu cũng được thúc đẩy ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ, bởi điều này tạo ra các sản phẩm và quy trình an toàn hơn cho con người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!