Liên tiếp xảy ra các vụ xả súng tại Mỹ - Hồi chuông báo động về bạo lực súng đạn

VTV Digital-Thứ năm, ngày 02/06/2022 11:07 GMT+7

VTV.vn - Makenna Lee Elrod 10 tuổi, Layla Salazar 11 tuổi, Maranda Mathis 11 tuổi… là ba trong số 21 nạn nhân của vụ xả súng vào trường tiểu học bang Texas hôm 24/5 vừa qua.

Bà Esther Rubio - Thành phố Uvalde, bang Texas, Mỹ nói: "Những bức ảnh rất đẹp, chỉ có điều giờ chúng ta không thể gặp những đứa trẻ ấy nữa. Chỉ còn những quan tài đóng kín".

Hồi chuông báo động về bạo lực súng đạn lại gióng lên tại Mỹ sau loạt vụ xả súng gây thương vong lớn xảy ra liên tiếp gần đây. Giống như một căn bệnh kinh niên, nạn bạo lực súng đạn cho thấy nếu không có phương thức chữa trị triệt để, cơn đau cứ kéo dài và có thể nhói lên bất kỳ lúc nào. Vụ xả súng vừa rồi tại Texas liệu có thể thúc đẩy người Mỹ tìm đến một giải pháp dứt điểm cho căn bệnh này hay không?

Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ khẳng định, súng đạn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em và thanh thiếu niên tại Mỹ, cao hơn cả tai nạn giao thông hay bất cứ lí do gì khác. Trong đó, các vụ xả súng trường học là nỗi ám ảnh thường trực với học sinh và gia đình khi con em cắp sách đến trường.

Thống kê của tờ Bưu điện Washington cho thấy, kể từ năm 1999 đến nay đã có ít nhất 337 vụ xả súng xảy ra tại các trường học tại Mỹ. Trung bình mỗi năm có tới 15 vụ. Thống kê này đã loại bỏ các vụ xả súng trong trường đại học nhưng con số vẫn rất cao khi so sánh với các quốc gia phát triển khác.

Kênh truyền hình CNN dẫn một bảng so sánh cho thấy mức độ trầm trọng của căn bệnh bạo lực súng đạn của nước Mỹ. Trong hàng chục năm qua, Canada, Pháp, Đức chỉ xảy ra 1-2 vụ xả súng trường học. Anh, Australia, Nhật Bản thậm chí còn không xuất hiện vụ nào. Mexico là nơi có tình trạng bạo lực băng đảng đáng lo ngại và cũng chỉ xảy ra 8 vụ trong khoảng 10 năm. Con số cùng kỳ của Mỹ là gấp 36 lần Mexico.

Liên tiếp xảy ra các vụ xả súng tại Mỹ - Hồi chuông báo động về bạo lực súng đạn - Ảnh 1.

Hồi chuông báo động về bạo lực súng đạn lại gióng lên tại Mỹ sau loạt vụ xả súng gây thương vong lớn xảy ra liên tiếp gần đây.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng: "Những vụ xả súng hàng loạt như vừa rồi lại hiếm khi xảy ra ở các nước khác. Tại sao chúng ta có thể sống với sự giết chóc này? Khi chúng tôi thông qua lệnh cấm vũ khí tấn công, các vụ xả súng hàng loạt đã giảm xuống. Khi luật hết hiệu lực, các vụ xả súng tăng gấp ba lần. Tại sao chúng ta cứ để nó xảy ra. Đã đến lúc chúng ta cần sự can đảm để đứng lên hành động".

Kiểm soát súng tại Mỹ: lần này liệu có khác?

Cứ mỗi khi một vụ xả súng xảy ra thì làn sóng kêu gọi siết chặt kiểm soát súng lại bùng lên, nhưng sau đó khả năng đạt được tiến triển thực sự thì lại tương đối hạn chế. Lần này các nỗ lực chính trị để tạo ra sự thay đổi đang ở mức độ nào.

Ngay sau vụ thảm sát này thì Chủ tịch phe đa số tại Thượng viện Mỹ đã thúc đẩy 2 dự thảo luật mới nhằm thiết lập quy trình kiểm tra nhân thân kỹ hơn đối với cả người bán súng và người mua súng. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã kêu gọi các nghị sĩ nước này chung tay thúc đẩy tiến trình sửa đổi luật kiểm soát súng đạn. Nhà Trắng cho biết, ông Biden có thể sẽ ban hành một quyết định hành pháp về vấn đề này.

Những động thái đó đã làm dấy lên hy vọng về một sự thay đổi trong nỗ lực kiểm soát súng đạn tại Mỹ, bởi hiện phần lớn người dân Mỹ ủng hộ việc kiểm tra nhân thân người sở hữu súng. Ảnh hưởng của Hiệp hội súng trường Mỹ hiện đã suy giảm, các vụ xả súng nhằm vào trẻ em ngày một tiếp diễn và lần này lại xảy ra ngay tại sân sau của Đảng Cộng hòa, cùng với đó là sự tham gia của các nghị sĩ uy tín thuộc cả hai đảng.

Tuy nhiên ngay cả các nghị sĩ đang đứng lên thúc đẩy việc sửa đổi các quy định kiểm soát súng vẫn nghi ngờ về khả năng thành công, bởi cuộc đấu tranh này đã diễn ra dai dẳng từ hàng chục năm nay.

Người Mỹ tranh cãi về cách ngăn chặn xả súng trường học

Các nỗ lực siết chặt quy định quản lý súng đạn gặp rất nhiều khó khăn khi Tu chính án số 2 của Mỹ nêu rõ, quyền của người dân được nắm giữ và mang vũ khí sẽ không thể bị xâm phạm. Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có quan điểm trái ngược nhau. Nước Mỹ chia rẽ sâu sắc trong việc kiểm soát súng đạn khiến đây là một trong những vấn đề nghiêm trọng, kéo dài và khó giải quyết nhất ở Mỹ.

Liên tiếp xảy ra các vụ xả súng tại Mỹ - Hồi chuông báo động về bạo lực súng đạn - Ảnh 2.

Buổi tang lễ của một trong các nạn nhân vụ xả súng ở trường tiểu học tại Uvalde, tổ chức ngày 31/5 - Ảnh: Reuters

Ngôi trường ở thị trấn Utopia, bang Texas, cách trường tiểu học Rob nơi xảy ra vụ xả súng tuần trước chưa đầy 1 tiếng lái xe. Những tấm biển cảnh báo được treo ngay ở cổng ra vào trường. Biển ghi rõ: Hãy chú ý, trường này được bảo vệ bởi các nhân viên có vũ trang.

Giáo viên trong trường mang theo súng và được đào tạo để sẵn sàng bắn hạ những kẻ có ý định xả súng trường học, các giám thị nghĩ rằng đấy là biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Ông Michael Derry - Giám thị trường Utopia, Texas nhấn mạnh: "Nếu kẻ nào có ý định gây chuyện ở đây, chúng sẽ chùn bước khi biết rằng ở ngôi trường này có những giáo viên có vũ trang. Và chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để bảo vệ học sinh của mình".

Bà Sugar Bennet - Phụ huynh học sinh trường Utopia, Texas nói: "Trường Utopia đã cho phép giáo viên mang súng đến trường từ vài năm rồi và ban đầu tôi không thoải mái với điều này. Tuy nhiên những năm gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều vụ thảm sát ở trường học. Điều này khiến tôi yên tâm hơn khi giáo viên được vũ trang".

Trong khi đó, hàng trăm người tụ tập bên ngoài sự kiện của Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA) với khẩu hiệu bảo vệ trẻ em chứ đừng bảo vệ súng. Những người phản đối súng đạn treo những chiếc áo vẩy sơn đỏ, mô phỏng trang phục của trẻ em khi đến trường và trở thành nạn nhân của kẻ xả súng.

Liên tiếp xảy ra các vụ xả súng tại Mỹ - Hồi chuông báo động về bạo lực súng đạn - Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) gặp Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 31/5 xin lời khuyên về việc đối phó với bạo lực súng đạn - Ảnh: Reuters

Chị Chelsea Jackson - Người dân Texas, Mỹ: "Tôi không muốn sống ở đây nữa. Tôi không dám cho con đi học, không dám đi xem phim hay đi siêu thị mua sắm. Khi nào thì sự giết chóc mới dừng lại".

Từ bờ Đông cho đến bờ Tây nước Mỹ, học sinh sinh viên tổ chức hàng loạt cuộc tuần hành để bày tỏ sự phản đối với các quy định kiểm soát súng đạn bị cho là lỏng lẻo ở nhiều bang. Truyền thông Mỹ dẫn chứng các mô hình kiểm soát súng đạn tại Anh và Australia, nơi tình trạng bạo lực súng đạn giảm mạnh khi chính phủ siết chặt quy định cấp phép sử dụng súng và tăng cường chương trình mua lại súng để giảm tỷ lệ sở hữu vũ khí trong dân chúng.

Độ tuổi trung bình của hung thủ xả súng trường học Mỹ chỉ là 16 tuổi. Có trường hợp, một cậu bé 6 tuổi bắn chết bạn cùng lớp chỉ vì xích mích với nhau. Hay một cô bé 15 tuổi bắn chết bạn trai vì bị từ chối tình cảm. Ở độ tuổi dở dở ương ương, dễ nóng giận và chưa kiểm soát được hành vi của mình thì thật vô cùng nguy hiểm khi các em được cầm trong tay thứ vũ khí nguy hiểm chết người.

Cách triệt để nhất để ngăn chặn thảm kịch tái diễn chắc chắn là loại bỏ hoàn toàn khả năng tiếp cận súng của con trẻ. Và điều này yêu cầu sự hy sinh quyền tự do của cả cộng đồng, vốn là một yêu cầu khó khăn trong một xã hội đề cao tính cá nhân như nước Mỹ.

Bạo lực súng đạn tại Mỹ trong dịp Quốc khánh Bạo lực súng đạn tại Mỹ trong dịp Quốc khánh Bạo lực súng đạn - 'đại dịch trong đại dịch' tại Mỹ Bạo lực súng đạn - "đại dịch trong đại dịch" tại Mỹ Video cổ động chống bạo lực súng đạn của học sinh Mỹ gây chấn động Video cổ động chống bạo lực súng đạn của học sinh Mỹ gây chấn động

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước