Mạng xã hội - Vũ khí hữu hiệu trong cuộc chiến chống khủng bố

Hoàng Long (Ban Thời sự)-Thứ ba, ngày 16/08/2016 17:44 GMT+7

VTV.vn - Mạng xã hội không chỉ đơn thuần mang tính giải trí, mà đang trở thành một thứ vũ khí hữu hiệu trong cuộc chiến chống khủng bố.

Trong âm mưu tấn công Singapore bằng tên lửa từ Indonesia gần đây, các nhà chức trách đã tiết lộ một thông tin là chính những đoạn tin nhắn trên Facebook đã giúp phát hiện ra âm mưu này. Ngoài ra, việc kẻ chủ mưu thay hình ảnh đại diện trên ứng dụng Line bằng khẩu hiệu "Indonesia ủng hộ và đoàn kết với IS" cũng là một manh mối phá án. Rõ ràng là trong cuộc chiến chống khủng bố, giờ không thể thiếu sự phối hợp của các mạng xã hội.

Những video tuyên truyền tư tưởng cực đoan, những thông điệp kích động tấn công hay những video dạy chế tạo bom tự sát có thể tìm kiếm dễ dàng chỉ bằng vài cái click chuột. Không gian không giới hạn của mạng xã hội đang đang trở thành lò tuyển quân và đào tạo chiến binh dễ dàng của các tổ chức khủng bố.

Không phải ngẫu nhiên mà 30.000 người trên toàn thế giới đã gia nhập IS có độ tuổi trung bình là 24. Đây là những đối tượng tiếp xúc nhiều nhất với mạng xã hội, nơi các phần tử khủng bố dễ dàng phát tán những thông tin mang tính dụ dỗ. Ước tính, riêng trên Twitter đã có gần 50.000 tài khoản công khai ủng hộ IS. Các tổ chức khủng bố cũng lợi dụng các phần mềm liên lạc phổ biến như WhatsApp và Telegram vốn có khả năng mã hóa bảo vệ riêng tư của người dùng cao để liên lạc và che dấu tung tích.

Ông James Comey, Giám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ cho biết: "Ngày nay, khủng bố có thể bắt nguồn ngay trong túi áo, túi quần của bạn. Nếu một người muốn trao đổi với các đối tượng khủng bố, anh ta có thể theo dõi và gửi tin nhắn với chúng trên Twitter chẳng hạn. Khi chúng xác định rằng người đó có thể tham gia các âm mưu khủng bố, chúng sẽ chuyển sang các phương thức trao đổi mã hoá khác rất khó để lần ra".

Mạng xã hội cũng là nơi các tổ chức khủng bố reo rắc và kích động tư tưởng bạo lực. Facebook mỗi tuần phải xử lý khoảng 1 triệu tài khoản vi phạm dạng này.

"Kể từ đầu năm, IS đã tung ra 1.700 thông điệp khủng bố từ các đoạn video, các báo cáo dạng hình ảnh hay tạp chí online. Chúng đều được biên tập chuyên nghiệp, tung ra đúng thời điểm để biến truyền thông xã hội thành công cụ để thúc đẩy các mục tiêu cực đoan của chúng" - Ông John Mulligan, Phó Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia, Mỹ.

Trong cuộc chiến chống khủng bố, mạng xã hội giờ không còn là ảo. Ngăn chặn tư tưởng cực đoạn trên mạng cũng đồng nghĩa với việc giảm thiểu mối nguy từ các đối tượng bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan thực hiện các vụ tấn công ngoài đời thực.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước