Tình trạng ngập lụt ở khu vực bờ biển Daytona Beach, Florida, Mỹ, ngày 10/11/2022.(Ảnh: Getty Images)
Đây là kết quả một nghiên cứu của NASA.
Theo nghiên cứu, phân tích các dữ liệu quan sát vệ tinh trong ba thập kỷ, đến năm 2050, mực nước biển dọc theo bờ biển tiếp giáp với nước Mỹ có thể tăng tới 12 inch (30 cm) so với mực nước hiện tại, nhóm nghiên cứu cho biết trong một tuyên bố. Cụ thể, theo nghiên cứu, vùng duyên hải vịnh Mexico và bờ biển Đông Nam dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, có khả năng sẽ phải hứng chịu nhiều cơn bão và lũ lụt do thủy triều trong tương lai gần.
Những phát hiện này hỗ trợ cho các kịch bản về mực nước biển được đưa ra vào tháng 2 trong Báo cáo về mực nước biển dâng của nhiều cơ quan. Báo cáo cho rằng "mực nước biển dâng đáng kể", có khả năng tấn công các bờ biển nước Mỹ trong vòng 30 năm tới,. Dự đoán mực nước biển dâng trung bình từ 10 đến 14 inch (25 đến 35 cm) đối với Bờ biển phía Đông; 14 đến 18 inch (35 đến 45 cm) đối với vùng duyên hải vịnh Mexico; và 4 đến 8 inch (10 đến 20 cm) ở Bờ Tây."
Nghiên cứu của NASA được xây dựng dựa trên các phương pháp được sử dụng trong báo cáo của nhiều cơ quan trước đó; được đứng đầu bởi một nhóm các nhà nghiên cứu và nhà khoa học có trụ sở tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực ở California, nơi chuyên khám phá những vùng sâu nhất của không gian, đồng thời sử dụng vệ tinh để "nâng cao hiểu biết" về Trái đất.
Hình ảnh mực nước biển được đo bởi vệ tinh Sentinel-6 Michael Freilich, trong đó vùng màu đỏ có mực nước biển cao hơn bình thường. (Ảnh: NASA)
Nghiên cứu của NASA đã khai thác các phép đo độ sâu bề mặt biển của vệ tinh bằng máy đo độ cao và sau đó đối chiếu chúng với hồ sơ đo thủy triều của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) trong hơn 100 năm qua. Do đó, NASA có thể tự tin tuyên bố rằng các kết quả đọc từ vệ tinh của họ không có gì bất thường và hoàn toàn được hỗ trợ bởi các phát hiện trên mặt đất.
Mặc dù những phát hiện của nghiên cứu mới này chắc chắn gây lo ngại, nhưng Jonathan Overpeck, nhà khoa học khí hậu liên ngành tại Đại học Michigan, người không tham gia vào nghiên cứu, cho rằng, các dự đoán trên không phải là điều bất ngờ.
Ông Jonathan Overpeck nói: "Ngày càng có nhiều băng ở hai cực đang tan chảy, và điều này khiến các đại dương đang mở rộng khi chúng ấm lên. Rõ ràng, mực nước biển dâng sẽ trở nên tồi tệ hơn chừng nào chúng ta còn để biến đổi khí hậu tiếp diễn".
Quan điểm này được chia sẻ bởi David Holland, nhà khoa học khí hậu vật lý và giáo sư toán học tại Đại học New York, người không tham gia vào nghiên cứu: "Nghiên cứu cho thấy rằng (mực nước) đại dương toàn cầu đang dâng lên, và hơn thế nữa, sự dâng lên đang tăng tốc nhanh hơn. Mức dâng dự kiến cho bờ biển vùng vịnh Mexico khoảng 1 foot (khoảng 30 cm) vào năm 2050 là rất lớn. Điều này có thể làm cho các đợt triều cường liên quan đến bão thậm chí còn tồi tệ hơn hiện nay".
Các yếu tố khác cũng có thể góp phần làm tăng mực nước biển dọc theo bờ biển nước Mỹ. Nghiên cứu chỉ ra rằng những vấn đề liên quan đến mực nước biển dâng cao có thể "trầm trọng hơn bởi các biến đổi tự nhiên trên Trái đất", chẳng hạn như tác động của El Niño và La Niña vào giữa những năm 2030, với mọi bờ biển nước Mỹ sẽ phải đối mặt với "mức nước cao dữ dội hơn" gây ra lũ lụt thủy triều do sự dao động trong quỹ đạo của mặt trăng xảy ra sau mỗi 18,6 năm" .
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!