Tổng thống Donald Trump lấy khẩu trang từ túi áo ra đưa cho các phóng viên xem tại buổi họp báo về COVID-19 ở Nhà Trắng ngày 21/7. Ảnh: Reuters
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch, với tổng cộng 144.983 ca tử vong trong tổng số 4.030.302 ca nhiễm. Sau Mỹ là Brazil với 81.597 ca tử vong trong số 2.166.532 ca nhiễm, Anh với 45.422 ca tử vong trong số 295.817 ca nhiễm và Mexico với 40.400 ca tử vong trong số 356.255 ca nhiễm. Nếu tính tỷ lệ ca tử vong trên tổng dân số, Bỉ đứng đầu với trung bình 85 ca tử vong trên 100.000 dân, sau đó là Anh với tỷ lệ 67/100.000, Tây Ban Nha là 61, Italy 58 và Thụy Điển 56.
Châu Âu hiện ghi nhận tổng cộng 206.251 ca tử vong trong tổng số 2.988.151 ca nhiễm, Mỹ Latin và vùng Caribbean ghi nhận 167.347 ca tử vong trong số 3.955.571 ca nhiễm, Bắc Mỹ có 150.960 ca tử vong trong số 4.012.645 ca nhiễm, châu Á ghi nhận 52.729 ca tử vong trong số 2.215.617 ca nhiễm, các con số tương tự của Trung Đông là 23.784 ca tử vong trong số 1.038.665 ca nhiễm, và của châu Phi là 15.737 ca tử vong trong số 751.037 ca nhiễm. Châu Đại Dương ghi nhận 157 ca tử vong trong tổng số 14.523 ca nhiễm.
Khẩu trang hiện bắt buộc tại nhiều nơi ở Mỹ. Ảnh: Reuters
Tại Mỹ, bang California đã xác nhận số ca nhiễm vượt 409.000 ca, vượt New York trở thành bang có số ca nhiễm cao nhất nước Mỹ. Ngày 22/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo tình hình dịch xấu đi và kêu gọi người dân đeo khẩu trang để ngăn chặn sự lây lan của virus. Phát biểu tại cuộc họp báo chính thức đầu tiên trong gần 3 tháng qua về tình hình dịch COVID-19, Tổng thống Trump kêu gọi người trẻ ở Mỹ tránh đến những quán bar đông người nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ông Trump nhận định một số khu vực ở Mỹ đang xử lý dịch COVID-19 rất tốt, nhưng một số khu vực khác xử lý chưa tốt. Ông cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng số ca mắc COVID-19 ở một số khu vực miền Nam nước này. Tuy nhiên, ông cho rằng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 "đến thời điểm nào đó sẽ biến mất".
Văn phòng Tổng thống Brazil ngày 22/7 cho biết ông Jair Bolsonaro lần thứ 3 có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Như vậy, Tổng thống Bolsonaro sẽ phải tiếp tục bị cách ly mặc dù "ở trong tình trạng ổn định".
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro - Ảnh: Reuters
Tổng thống Bolsonaro, 65 tuổi, hôm 6/7 tuyên bố có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi xuất hiện triệu chứng sốt và suy nhược. Ông đã làm việc tại tư dinh kể từ thời điểm đó và không tham gia các sự kiện công cộng. Tuần trước, Tổng thống Brazil tiếp tục có kết quả xét nghiệm dương tính lần thứ 2 với virus SARS-CoV-2.
Tại châu Âu, Pháp đã ghi nhận số ca nhiễm gia tăng trong dịp nghỉ Hè. Bộ Y tế nước này xác nhận gia tăng số ca cấp cứu, số ca nhập viện và số ổ dịch mới bùng phát. Kể từ ngày 9/5 vừa qua, ngay trước khi Pháp bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa, đến nay nước này đã phát hiện tổng cộng 547 ổ dịch COVID-19. Hiện còn 208 ổ dịch chưa được kiểm soát. Theo cơ quan y tế Sante Publique của Pháp, tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này hiện ở mức 1,2 - tức là trung bình 10 người nhiễm virus có thể lây cho 12 người khác. Ở các khu vực phía Nam, tỷ lệ này có nơi lên đến 1,55. Trong khi đó, tại Romania, số ca nhiễm mới trong ngày đã ghi nhận mức cao nhất, với 1.030 ca trong 24 giờ qua. Tổng cộng số ca nhiễm ở nước này hiện là 40.163 ca, trong đó có 2.101 ca tử vong. Chính phủ Romania đã gia hạn tình trạng cảnh báo, vốn đang có hiệu lực từ ngày 15/3, thêm 30 ngày nữa đến tháng 8.
Người dân đeo khẩu trang trên đường phố Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Trong ngày 22/7, Australia và Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao nhất trong một ngày. Thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã tiếp tục duy trì cảnh báo ở mức cao nhất khi số bệnh nhân không rõ nguồn lây nhiễm trung bình mỗi ngày là 122,3 người, tăng 1,6 lần. Số bệnh nhân có triệu chứng nặng cũng có dấu hiệu gia tăng với 14 trường hợp, tăng gấp 2 lần. Giới chuyên gia cảnh báo dịch COVID-19 tại thủ đô Tokyo hiện đã lây sang nhóm đối tượng là những người trung niên, cao tuổi và nguồn lây nhiễm không chỉ dừng lại những người có liên quan đến các cửa hàng ăn uống, dịch vụ giải trí về đêm mà đã xuất hiện ở nhiều khu vực khác như cơ sở chăm sóc sức khỏe, gia đình, nơi làm việc... Các chuyên gia nhấn mạnh về lâu dài, hệ thống y tế của Tokyo có thể rơi vào tình trạng quá tải.
Trong khi đó, tại Thái Lan, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) đã thông qua việc kéo dài sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 1 tháng cho tới ngày 31/8. Người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết việc kéo dài nói trên là cần thiết vì đại dịch COVID-19 vẫn đang lây lan trên thế giới, trong khi Thái Lan sẽ cho phép khách nước ngoài nhập cảnh và nới lỏng các biện pháp phong tỏa đối với những loại hình kinh doanh và hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao. CCSA cũng thông qua trên nguyên tắc giai đoạn 6 nới lỏng các biện pháp phong tỏa đối với một số nhóm người nước ngoài, nhưng đang chờ những hướng dẫn cụ thể về việc phòng chống dịch bệnh từ các bộ liên quan trước khi công bố ngày áp dụng.
Cùng ngày, chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cũng quyết định mở rộng các biện pháp giãn cách xã hội mới nghiêm ngặt từ nửa đêm 22/7 với yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả những khu vực công cộng trong nhà, gồm các khu thương mại và chợ. Các biện pháp mới sẽ được áp dụng trong 2 tuần. Quan chức phụ trách y tế Hong Kong, bà Sophia Chan nhấn mạnh các ca nhiễm mới gia tăng mới đây chủ yếu do người dân không đeo khẩu trang.
Người dân Bắc Kinh được lấy mẫu xét nghiệm tại một trung tâm xét nghiệm dã chiến ngày 24/6 - Ảnh: Reuters
Tại châu Á, một số hoạt động vui chơi, giải trí đã bắt đầu được mở lại ở những khu vực nguy cơ lây nhiễm thấp. Giám đốc Cơ quan điện ảnh thành phố Bắc Kinh, Wang Jiequn cho biết từ ngày 24/7, các rạp chiếu phim ở những khu vực nguy cơ lây nhiễm thấp ở thủ đô của Trung Quốc có thể nối lại hoạt động với việc triển khai các biện pháp hiệu quả trong phòng chống dịch, như hạn chế số lượng khán giả mỗi buổi chiếu ở mức 30% sức chứa của rạp và bán vé ngồi giãn cách. Khán giả phải dùng tên thật để đặt chỗ trước, đeo khẩu trang trong rạp và những người không quen biết nhau nên ngồi cách xa nhau ít nhất 1 mét.
Trong khi đó, Đài tưởng niệm chiến tranh của Hàn Quốc tại thủ đô Seoul đã mở cửa trở lại sau 2 tháng đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch. Đài tưởng niệm này nằm trong số hàng chục địa điểm công cộng được mở cửa trở lại trong tuần này trong bối cảnh số ca lây nhiễm tại Seoul có dấu hiệu thuyên giảm. Cùng ngày, Bộ Giáo dục, Thanh niên và thể thao Campuchia đã thông báo về việc Hội đồng Bộ trưởng Campuchia cho phép bộ này được mở cửa trở lại 20 trường học ở thủ đô Phnom Penh, thành phố Siem Reap và thành phố Battambang, đáp ứng tiêu chuẩn cao về an toàn như mỗi lớp học không vượt quá 15 học sinh, trong khi việc giãn cách xã hội phải được áp dụng chặt chẽ.
Hôm nay đã bước sang ngày thứ 97, Việt Nam không phát hiện thêm ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Hôm qua, nước ta có thêm 12 ca mắc COVID-19 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!