Phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ nhằm chấm dứt thông lệ đã kéo dài nhiều thập kỷ qua nhằm tăng cơ hội học tập cho những người Mỹ gốc Phi và các nhóm thiểu số khác tại Mỹ.
Chính sách nâng đỡ (Affirmative action) lâu nay tại Mỹ cho phép các yếu tố như màu da, chủng tộc, giới tính, tôn giáo hoặc nguồn gốc quốc gia của một cá nhân được các doanh nghiệp hoặc chính phủ xem xét để tăng cơ hội cho một bộ phận trong xã hội. Trong lĩnh vực giáo dục, chính sách này hỗ trợ người da màu và các nhóm sắc tộc thiểu số khác khắc phục những bất lợi về giáo dục và kinh tế trong tuyển sinh vào các trường Đại học.
Phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ bác bỏ chính sách nâng đỡ nói trên được cho là làm tổn hại những nỗ lực nhằm tăng tính đa dạng trong các trường Đại học, các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.
Giải thích về phán quyết, thẩm phán John Roberts cho rằng, chính sách nâng đỡ dù "có ý tốt" nhưng lại phân biệt đối xử đối với các nhóm đối tượng sinh viên khác. Theo thẩm phán này, các trường Đại học vẫn được tự quyết định cân nhắc hoàn cảnh của học sinh để ưu tiên khi xét hồ sơ tuyển sinh. Tuy nhiên, việc dựa vào các yếu tố màu da hay sắc tộc thực chất là phân biệt chủng tộc và do đó vi phạm hiến pháp Mỹ.
Phán quyết trên nhận được sự ủng hộ của phe bảo thủ nhưng vấp phải chỉ trích từ phe tiến bộ. Trong 9 thẩm phán của Tòa án Tối cao có 3 thẩm phán phản đối phán quyết. Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ "rất thất vọng" với quyết định của các thẩm phán. Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Biden cho rằng tình trạng phân biệt vẫn tồn tại ở Mỹ, đồng thời khẳng định các trường Đại học ở Mỹ sẽ tốt hơn nếu đa dạng về chủng tộc.
Reuters/Ipsos đã thực hiện một cuộc khảo sát trước khi Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra phán quyết về vấn đề này, liên quan các cáo buộc một số trường Đại học phân biệt chủng tộc khi tuyển sinh.
Với 4.408 người trưởng thành tham gia trong khoảng thời gian 6-13/2, kết quả cho thấy 62% người được hỏi phản đối đưa yếu tố sắc tộc vào quyết định tuyển sinh - thông lệ thường được các trường Cao đẳng, Đại học Mỹ sử dụng để thúc đẩy sự đa dạng hóa sắc tộc.
Tỷ lệ phản đối trong những người theo đường lối Cộng hòa là 73%, trong khi tỉ lệ này bên Dân chủ là 46%. 67% người da trắng cũng đồng quan điểm này. Trong khi đó, chỉ 52% người trả lời thuộc nhóm sắc tộc thiểu số phản đối ưu ái.
Cũng theo cuộc khảo sát, 46% số người được hỏi cho rằng chính sách ưu ái thể hiện rõ ràng việc đối xử bất công với người da trắng. 49% người da trắng đồng tình với quan điểm trên, tương tự với 39% người thuộc nhóm thiểu số.
Trong khi đó, hầu hết người được hỏi không nghĩ các văn phòng tuyển sinh nên xem xét vấn đề chủng tộc. 58% cho biết họ ủng hộ các chương trình ưu tiên nhằm tăng sự đa dạng chủng tộc của sinh viên trong khuôn viên trường Đại học.
Nhà Trắng kêu gọi các trường Đại học tiếp tục xem xét hoàn cảnh của học sinh xin nhập học. Chính quyền Tổng thống Biden cho biết sẽ làm việc với các cơ quan giáo dục bậc cao để hỗ trợ họ duy trì những chính sách nhằm tăng cường tính đa dạng mà vẫn đảm bảo tuân thủ phán quyết của Tòa án Tối cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!