Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ, các thử nghiệm mới sẽ được áp dụng đối với gần 1.660 người tại 50 địa điểm nghiên cứu.
Giám đốc Viện nghiên cứu về Rối loạn thần kinh và đột quỵ quốc gia thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ - ông Walter J. Koroshetz - nêu rõ những triệu chứng được điều trị thử nghiệm thực sự gây trở ngại và có hại cho sức khỏe của nhiều người đang mắc hội chứng COVID-19 kéo dài, trong đó có rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng tập thể dục và mệt mỏi do gắng sức.
Ông Koroshetz nhấn mạnh sự cấp thiết phải tìm ra các phác đồ điều trị để người mắc hội chứng COVID-19 kéo dài có được giấc ngủ ngon, có thể tự vận động và hơn hết là cảm thấy khỏe mạnh trở lại.
Cũng theo Viện Y tế quốc gia Mỹ, các thử nghiệm về điều trị những triệu chứng nói trên được phát triển để giải quyết nhiều lo ngại về sự an toàn của người bệnh, cũng như hiểu rõ hơn cách thức chương trình nghiên cứu này giúp cải thiện các triệu chứng COVID-19 kéo dài.
Hàng chục triệu người trên khắp thế giới được cho là đang mắc hội chứng COVID-19 kéo dài sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Các nhà nghiên cứu đang bắt đầu giải mã được những điều chưa rõ về hội chứng này, mở ra hy vọng đạt được những đột phá về điều trị trong tương lai và hiểu rõ hơn về các hội chứng mãn tính khác.
Thuật ngữ "hội chứng COVID-19 kéo dài" thường được dùng để miêu tả các triệu chứng tồn tại nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí vài năm sau khi người nhiễm virus SARS-CoV-2 đã khỏi bệnh.
Hội chứng này bao gồm các hiện tượng mệt mỏi, sương mù não, khó thở, mất khứu giác, mất ngủ, tim đập nhanh, chóng mặt, đau khớp và trầm cảm. Đến nay vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng và chưa có đủ dữ liệu để xác định hội chứng sẽ kéo dài bao lâu.
Một nghiên cứu đáng chú ý được công bố trên tạp chí Science vào tháng 1/2024 cho thấy có sự khác biệt đáng kể về lượng protein trong máu của hơn 110 bệnh nhân mắc hội chứng COVID-19 kéo dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!