Nam Á đối phó gánh nặng nợ nần từ Trung Quốc

Anh Phương (PV Đài THVN thường trú tại Trung Đông)-Thứ ba, ngày 10/12/2019 10:50 GMT+7

Cảng Hambantota của Sri Lanka. Ảnh: Reuters

VTV.vn - 2 quốc gia nổi bật trong số này là Sri Lanka và Maldives đang cho thấy những động thái muốn đàm phán lại với Bắc Kinh để các món nợ không làm tổn hại lợi ích quốc gia.

Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều tiếng nói cảnh báo về nguy cơ mà một số quốc gia Nam Á đang phải đối mặt từ gánh nặng nợ nần với Trung Quốc.

Maldives vốn được mệnh danh là thiên đường biển đảo bởi cảnh sắc tuyệt đẹp nhưng có sống ở chốn thiên đường nào đi chăng nữa, giới lãnh đạo và người dân Maldives hẳn cũng không hạnh phúc cho được khi trước mắt họ là khoản nợ khổng lồ từ Trung Quốc.

Báo Avas của Maldives cho biết hiện món nợ Trung Quốc mà Maldives đang phải gánh đã lên tới 1,5 tỷ USD, chủ yếu liên quan đến các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu đường, sân bay. Kể từ khi chuyển giao chính phủ từ tháng 11/2018, mối quan hệ giữa Maldives và Trung Quốc đang chịu sự kiểm soát gắt gao.

Chính phủ mới tại Maldives cáo buộc chính quyền cũ đã vay nợ bừa bãi, để rồi giờ đây nhiều đất đai của Maldives phải trao cho Trung Quốc dưới các hợp đồng cho thuê.

Báo Arab News (Saudi Arabia) trích lời Ngoại trường Maldives cho biết chính phủ mới đang phải đối mặt với không ít khó khăn với những khoản vay mà không thể trả nổi của nhiệm kỳ trước. Giờ đây, họ đang muốn qua các kênh ngoại giao với Bắc Kinh để tìm ra một lời giải cho vấn đề này.

Một quốc gia khác tại Nam Á là Sri Lanka mới đây cũng bày tỏ mong muốn tái đàm phán với Bắc Kinh về các khoản nợ. Sri Lanka đã phải trao quyền kiểm soát khu cảng chiến lược Hambantota của mình cho phía Trung Quốc, dưới hợp đồng cho thuê 99 năm, cũng vì không trả nổi các khoản nợ cho Bắc Kinh.

Báo The Week của Ấn Độ cho biết, Tổng thống Sri Lanka đã lên tiếng chỉ trích chính quyền cũ, khẳng định việc lấy một khu cảng chiến lược tối quan trọng về kinh tế để mà thế chấp vay mượn là điều không thể chấp nhận được. Sri Lanka đáng nhẽ đã phải kiểm soát điều này.

Nhưng liệu Sri Lanka hay Maldives có thể qua những con đường ngoại giao để mà thuyết phục Bắc Kinh đưa ra một nhân nhượng đối với các khoản nợ quá hạn. Đến nay, đó vẫn chỉ là những mong ước mà thôi.

Theo báo Economy Next của Sri Lanka, cũng chính Tổng thống mới của Sri Lanka gần đây đã phải thừa nhận rằng, nếu Ấn Độ, Nhật Bản, Australia hay các nước khác mà không đầu tư vào Sri Lanka, nước này sẽ lại một lần nữa phải tìm kiếm nguồn vay mượn từ Bắc Kinh mà thôi.

Hiện Sri Lanka vay nợ từ Trung Quốc lên tới khoảng 8 tỷ USD, một nguồn tài chính khổng lồ mà một quốc gia có nền kinh tế bậc trung như Sri Lanka không hề dễ thay thế.

Nhưng theo báo Telangana Today, các quốc gia Nam Á phải nhận thức được rằng, các khoản vay từ Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc hoàn toàn không đến như các khoản viện trợ. Trái lại, đó là các khoản vay không hề có nhân nhượng, với những gói đầu tư phải đi kèm với cả nhân công và vật liệu của các công ty Trung Quốc.

Italy tham gia sáng kiến 'Vành đai, con đường' Italy tham gia sáng kiến "Vành đai, con đường"

VTV.vn - Italy đã trở thành nước thành viên đầu tiên trong Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tham gia sáng kiến "Vành đai, con đường" của Trung Quốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước