NATO nỗ lực hồi sinh liên minh chính trị - quân sự

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 28/03/2021 14:29 GMT+7

VTV.vn - NATO dường như đang chủ động hơn trong những vấn đề mà khối này cho là nguy cơ thách thức sự an ninh và ổn định toàn khối.

Trước khi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NATO tuần qua, ấn tượng gần nhất và đáng chú ý nhất về NATO là sự ảm đạm, chia rẽ và mất phương hướng, thể hiện tại Hội nghị Thượng đỉnh tổ chức ở London, Anh vào tháng 12/2019, ngay trước thềm kỷ niệm sinh nhật 70 năm. Sau đó, dịch bệnh COVID-19 ập đến, mỗi thành viên có các vấn đề riêng để lo, chính trị thế giới có những hình thức và nội dung vận động mới của thời dịch bệnh. Và rồi nước Mỹ có chính quyền mới.

Đó chỉ là những gì tóm gọn vắn tắt nhất về bối cảnh trong hơn 1 năm qua, cho đến khi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NATO tại Brussels. Trong hơn 1 năm, chưa có nhiều cơ hội để NATO chứng tỏ những nỗ lực dẹp bỏ bất đồng, thể hiện giải pháp cho các vấn đề cũ, chưa nói đến quan điểm ứng phó với các thách thức mới… 

Tuy nhiên, một không khí khác hẳn đã được thể hiện tuần vừa rồi. Ít nhất là trên bề mặt, người ta đã nhìn thấy rất nhiều nỗ lực hàn gắn, tính toán cải tổ, nhận diện thách thức, hay thậm chí theo lời Ngoại trưởng Mỹ, là hồi sinh liên minh chính trị - quân sự này.

NATO công bố tầm nhìn 2030

Một tổ chức liên minh lại bị chính thành viên trong khối chỉ trích là "chết não", như cách dùng từ của Tổng thống Pháp hơn 1 năm trước. Những gì không hay nhất cũng đã để dư luận quốc tế nhìn thấy. Cái cần sửa đầu tiên để có lại niềm tin chắc cũng phải là từ hình ảnh.

Theo như bình luận của phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam theo dõi hội nghị tại Brussels, việc một liên minh chính trị - quân sự thảo luận về tương lai chiến lược trước công chúng là điều không thường gặp. Nhưng đó chính xác là những gì NATO đã làm. Cùng với đó là sự giới thiệu và thảo luận Sáng kiến NATO tầm nhìn 2030 với 14 nhóm vấn đề và 138 đề xuất.

NATO nỗ lực hồi sinh liên minh chính trị - quân sự - Ảnh 1.

Quanh cảnh một cuộc họp NATO diễn ra tại Brussesl, Bỉ (Ảnh: NATO)

Những căng thẳng bấy lâu giữa các nước NATO được tạm gác khi Ngoại trưởng Mỹ Blinken chẳng đề cập gì đến mục tiêu chi tiêu quân sự 2% của các nước thành viên tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO. Thêm vào đó, ông Blinken còn khẳng định, Mỹ coi Thổ Nhĩ Kỳ là trung tâm để xây dựng và củng cố NATO. Đặc biệt, Mỹ không bỏ mặc các đồng minh tại Afghanistan.

Theo Tổng thư ký NATO, thông điệp của chính quyền Mỹ mở đường cho việc triển khai Sáng kiến NATO tầm nhìn 2030, với 8/14 nhóm vấn đề là củng cố Liên minh xuyên Đại Tây Dương, trong đó ưu tiên tăng cường tham vấn cấp cao như: thành lập cơ chế đánh giá định kỳ cấp Ngoại trưởng các nước NATO về tình hình phát triển của khối, thường xuyên tổ chức các cuộc tham vấn chính thức và không chính thức cấp Giám đốc Chính trị NATO về các khu vực, điểm nóng liên quan đến NATO như các nước Trung Đông, châu Phi, Đông Á…

Tăng cường các cuộc tham vấn cấp cao giúp các nước thành viên có chiến lược phát triển phù hợp với chiến lược của khối được coi là liều thuốc khôi phục não trạng của NATO, giải quyết thách thức chung của khối theo Sáng kiến NATO tầm nhìn 2030. Song tác dụng của liều thuốc này có thể bị hạn chế bởi bên lề Hội nghị Ngoại trưởng NATO, ông Blinken vẫn phản đối dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 đang được xây dựng từ Nga đến Đức. Ngoại trưởng Pháp vẫn thể hiện lập trường về quyền tự chủ chiến lược cần thiết của EU sau rạn nứt do Tổng thống Donald Trump gây ra.

NATO với nỗ lực khẳng định vai trò trung tâm

Nói đến chuyện tìm lại hình ảnh, định hướng và vai trò cho NATO, không thể không nói đến quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương. Đã từng có thời điểm, dư luận hoài nghi về một hình thái liên minh có tên gọi là NATO, khi người ta nhìn vào những gì tồn tại bên trong.

Chính quyền cũ của Mỹ từng cho rằng, nước này phải đơn phương tốn kém tài chính để bảo vệ đồng minh, trong khi các nước bạn ít thiện chí muốn chịu gánh chi phí cùng. Liên minh châu Âu, với các nòng cốt là nhiều thành viên NATO, trong lúc cảm thấy có phần hoài nghi về con đường đi chung, cũng đã tính đến việc tự mình xây dựng một liên minh quân sự riêng. Tuần qua, tất cả các mâu thuẫn nội bộ này tỏ ra là đã tạm xếp lại, với thiện chí thể hiện từ cả hai phía.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhanh chóng có tuyên bố chung ngay trong ngày họp đầu tiên, báo hiệu liên minh này dường như đã tìm được tiếng nói nhất quán.

Sau hơn 70 năm tồn tại, NATO đã và đang đối mặt với sự chia rẽ sâu sắc trong một loạt các vấn đề như đóng góp chi phí của các nước thành viên cho khối; vấn đề phòng thủ tập thể; vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ; cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng "bóng gió" về việc rời khỏi NATO…

Thời điểm này dường như thích hợp để xóa bỏ những chia rẽ đó, khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden coi việc "cài đặt lại quan hệ" với các đồng minh là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới.

Mỹ hướng tới củng cố lại quan hệ với NATO, song được cho vẫn kiên quyết với các đồng minh châu Âu về việc tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP. Năm 2020, bất chấp tác động của COVID-19, các thành viên NATO tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng năm thứ 6 liên tiếp. Tổng chi tiêu của 30 nước thành viên NATO trong năm ngoái tăng 3,9% so với năm trước.

Trong lúc cơm không lành, canh chẳng ngọt, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn thành lập Quỹ quốc phòng châu Âu vào năm 2019. Tuy nhiên, giới phân tích khu vực thừa nhận, ý tưởng xây dựng lực lượng quân đội chung châu Âu vẫn còn cả con đường dài mới đến đích.

Những chia rẽ trong nội bộ NATO dù vẫn tồn tại nhưng khác biệt đang dần được rút ngắn. Theo Tổng Thư ký NATO, hiện có cơ hội để mở ra một chương mới trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

NATO nhận diện những thách thức

Không khó để nhận ra sự khác biệt lớn giữa tân Tổng thống Mỹ Joe Biden với người tiền nhiệm. Không lâu sau khi tiếp quản Nhà Trắng, ông Biden đưa Mỹ quay lại một loạt khuôn khổ đa phương, với thông điệp "Nước Mỹ trở lại", qua đó thể hiện rõ lập trường của Mỹ với vai trò của các thể chế hợp tác, liên minh, trong cách ứng xử với nhiều vấn đề quốc tế. Bản thân việc có được tiếng nói chung trong cách nhận diện thách thứ, cũng được cho là bước tiến mới của NATO trong nỗ lực hàn gắn, tìm lại mục tiêu và đồng thời có thể thể hiện những ưu tiên quan tâm của khối này trong thời gian tới.

NATO là một khối quân sự tập thể, một liên minh phòng thủ của các nước thành viên với các mối đe dọa từ bên ngoài. NATO luôn quan ngại về các vận động của Nga ở phía Đông. Trong đó, việc Crum sáp nhập vào Nga bị NATO phản đối. Và đặc biệt là quan ngại về sự tăng cường hiện diện quân sự của Nga ở sát biên giới với các nước thành viên. NATO đã răn đe với việc củng cố vị thế phòng ngự.

Ở phía Nam, đó là tình hình an ninh ở khu vực Trung Đông và châu Phi. Theo NATO, những xung đột ở khu vực ảnh hưởng trực tiếp tới ổn định của các thành viên NATO, như là khủng hoảng di cư, hay trực quan hơn, đó là những nguy cơ khủng bố. NATO đã phản ứng với việc tăng cường tham gia vào tiến trình hòa bình khu vực. Và xa hơn, ở châu Á - Thái Bình Dương, đó là vấn đề với Trung Quốc khi mà Mỹ coi đây là mối đe dọa an ninh tập thể.

Theo ngoại trưởng Mỹ, dù phải đối mặt với thách thức mới nào, từ vấn đề khí hậu, an ninh mạng hay sự trỗi dậy của một số quốc gia, NATO cũng cần hành động tập thể, dựa trên an ninh tập thể. Và NATO cũng tỏ ra là sẵn sàng cho những tiền tuyến mới.

NATO nỗ lực hồi sinh liên minh chính trị - quân sự - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp báo tại Brussels ngày 24/3 (Ảnh: AP)

Với việc Mỹ khẳng định sự trở lại ở vai trò dẫn dắt, NATO dường như đang chủ động hơn trong những vấn đề mà khối này cho là nguy cơ thách thức sự an ninh và ổn định toàn khối.

Giới phân tích phương Tây từng không ngại dùng tính từ "khủng hoảng" để nói về một giai đoạn khó khăn vừa qua của NATO. Giải pháp được cho là không thể chỉ dừng ở hàn gắn, củng cố sự gắn kết nội bộ, nhận diện các thách thức chung về chiến lược mà yêu cầu một bài toán cải tổ mạnh mẽ, để ứng phó với hàng dài các vấn đề khác trong nhiều lĩnh vực, từ an ninh, chống khủng bố đến biến đổi khí hậu, các đại dịch có thể có trong tương lai.

Trong bối cảnh quan hệ quốc tế ngày nay, giảm đối đầu, giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại hoà bình và hợp tác cùng phát triển là xu thế chính mà không phải dựa trên sức mạnh để răn đe hay đạt mục tiêu qua vũ lực. Một tổ chức đa phương để tồn tại và phát triển với hiệu quả bền vững cũng sẽ không nằm ngoài xu thế này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước