Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục quan hệ
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua khủng hoảng và khôi phục toàn diện mối quan hệ kinh tế thương mại. Theo Tổng thống Nga Putin, "Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quan trọng và đầy hứa hẹn của Nga". Đây là những kết quả mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thu được trong chuyến thăm Nga ngày 03/5.
Trong cuộc họp báo chung tại Sochi, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được sự đồng thuận về một loạt giải pháp đồng bộ và nhất trí dỡ bỏ gần như tất cả rào cản trong quan hệ hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước. Hai bên cũng đề cập đến thoả thuận thanh toán thương mại bằng đồng nội tệ nhằm thúc đẩy giao thương.
Hai nhà lãnh đạo tin tưởng nhanh chóng bình thường hóa quan hệ như thời điểm trước khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc máy bay chiến đấu của Nga tại biên giới Syria hồi tháng 11/2015, dẫn đến việc Moscow áp đặt trừng phạt kinh tế Ankara vào đầu năm 2016.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định, những dự án quan trọng của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tiến hành theo đúng kế hoạch. Đó là công trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân "Akkuyu" với sự tham gia của các chuyên gia Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ có tổng đầu tư lên đến 22 tỷ USD. Và nhánh đầu tiên của hệ thống dẫn khí đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" đưa nguồn nhiên liệu từ Nga vượt Biển Đen đến châu Âu sẽ bắt đầu được lắp đặt trong năm nay.
Có thể nói đến thời điểm này, Moscow và Ankara đã vượt qua giai đoạn vô cùng căng thẳng trong quan hệ hai nước. Sau những thử thách và nỗ lực từ hai phía, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang sẵn sàng để củng cố quan hệ hợp tác nhiều mặt, theo Hiệp ước thiết lập quan hệ song phương đã được ký kết cách đây tròn 25 năm.
Hàn Quốc bỏ phiếu sớm bầu Tổng thống
Theo NEC, việc bỏ phiếu sớm sẽ diễn ra trong hai ngày 4 và 5/5. Tất cả 3.507 điểm bỏ phiếu trên khắp cả nước sẽ được mở cửa từ 6h - 8h. Chính quyền cũng sẽ bố trí các điểm bỏ phiếu tại những vị trí trung chuyển lớn như sân bay quốc tế Incheon và ga Seoul.
Hàn Quốc đã bước vào một trong những cuộc bầu cử Tổng thống quan trọng nhất trong hàng thập kỷ qua. Cuộc bầu cử này diễn ra trong thời điểm khó khăn đang bủa vây tứ phía đất nước này, từ vụ bê bối tham nhũng tới vấn đề an ninh quốc gia. Dù còn vài ngày nữa mới tới thời điểm chính thức diễn ra cuộc bầu cử nhưng từ ngày 4/5, nhiều cử tri Hàn Quốc đã đi bầu cử sớm. Đây là cách để thu hút nhiều cử tri đi bầu cử nhất có thể.
Hiện tại, theo kết quả thăm dò do hãng Real-meter công bố ngày 3/5, ông Moon Jae-in vẫn dẫn trước các đối thủ và là ứng cử viên hàng đầu cho cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc. Ông Moon Jae-in nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri tại hầu hết các vùng miền và duy trì thế dẫn đầu trước các đối thủ khác trong nhóm cử tri từ 50 tuổi trở xuống.
Cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc năm nay được cho là sẽ có số lượng cử tri đi bỏ phiếu nhiều nhất trong 3 thập kỷ qua. Nhưng một số chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng Tổng thống mới của Hàn Quốc sẽ nhận được ít hơn 50% sự ủng hộ của cử tri. Điều này cũng có nghĩa dù ai điều hành chính phủ tương lai cũng sẽ gặp không ít khó khăn.
Một điểm bỏ phiếu sớm tại ga Yongsan, Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap)
Hai ứng cử viên TT Pháp tranh luận trên truyền hình
Tối 03/5, hai ứng cử viên Tổng thống Pháp đã tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Cuộc tranh luận nảy lửa bất thường đã kéo dài 2,5 tiếng, được truyền trực tiếp trên 2 kênh truyền hình lớn nhất của Pháp. Ông Macron đã tỏ ra thuyết phục hơn, với những lập luận vững chắc và một thái độ bình tĩnh hơn so với bà Le Pen.
Cuộc tranh luận đã không thực sự là tranh luận, do bà Le Pen dành nhiều thời gian công kích cá nhân đối thủ, trong khi ông Macron lại chọn cách giải thích những việc mà ông sẽ làm nếu trở thành Tổng thống. Ngay từ câu đầu, bà Le Pen đã tấn công đối thủ không bằng lập luận, mà bằng một loạt xét đoán.
"Ông Macron là ứng cử viên đại diện cho toàn cầu hóa hoang dã, cho sự bất an, tàn bạo về mặt xã hội, cho xung đột bằng cách kích mọi người chống lại nhau, là ứng cử viên tàn phá nền kinh tế" - bà Marine Le Pen, ứng cử viênTổng thống Pháp phát biểu.
Trong 2,5 tiếng tranh luận, bà Le Pen đã đưa ra 19 thông tin không đúng sự thực, trong đó có những cáo buộc ông Macron vào những vụ việc mà ông không tham gia. Nhiều lần ông Macron yêu cầu bà Le Pen quay về với những dự định của bà nếu trở thành Tổng thống, nhưng không thành công. Cuộc tranh luận đã có lúc biến thành cãi vã.
Ông Macron đã chỉ ra những điểm phi lý hay thiếu thực tế trong các ý tưởng của bà Le Pen. Ông cũng tỏ ra là người am hiểu các vấn đề, và với mỗi giải pháp đều nói thêm là lấy đâu ra tiền để thực hiện.
"Tôi muốn một tinh thần cải cách và thay đổi thực sự. Chúng ta sẽ làm điều đó cùng nhau. Nước Pháp đã luôn là một quốc gia rộng lượng, một đất nước mở cửa, đã từng là ánh sáng của nhân loại, chứ không phải là đất nước của chính sách ngu dân" - ông Emmanuel Macron, ứng cử viên Tổng thống Pháp phát biểu.
Cuộc tranh luận là dịp để cử tri Pháp đánh giá khả năng của mỗi ứng cử viên. Ai sẽ qua được kỳ thi sát hạch trên truyền hình đêm qua để trở thành Tổng thống, cử tri Pháp sẽ chấm điểm bằng lá phiếu bầu vào Chủ nhật tuần này.
Marine Le Pen (trái) và Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters
Hệ thống THAAD tại Hàn Quốc đi vào hoạt động
Ngày 2/5, Hàn Quốc và Mỹ cho biết Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD mà Washington triển khai tại Hàn Quốc đã bắt đầu đi vào hoạt động.
Hệ thống này giờ đã có thể ngăn chặn các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Triều Tiên. Đây sẽ là một diễn biến rất quan trọng trong bối cảnh Triều Tiên cảnh báo sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vào bất cứ lúc nào.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD được triển khai tại thị trấn Seongju cách Thủ đô Seoul 300 km về phía Đông Nam đã bắt đầu đi vào hoạt động.
Ông Moon Sang Gyun, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, khẳng định: "Tôi xác nhận rằng hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD hiện được triển khai đã có khả năng ngăn chặn sớm các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên".
THAAD là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân và hiệu quả nhất trên thế giới hiện nay. Hệ thống này có 6 bệ phóng di động, 48 thiết bị đánh chặn, 1 radar AN/TPY-2 và bộ phận kiểm soát hỏa lực và thông tin liên lạc. THAAD có khả năng đánh chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn cuối cùng của quá trình bay.
Trong khi đó, ngày 1/5, Triều Tiên đã cảnh báo nước này sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân vào bất kỳ thời gian và địa điểm nào. Vụ thử hạt nhân hay phóng tên lửa mới từ Triều Tiên nếu xảy ra sẽ là phép thử quan trọng đối với hệ thống THAAD tại Hàn Quốc cũng như đối với tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Hiện Hàn Quốc và Mỹ chưa giải quyết được bất đồng liên quan đến chi phí tài chính cho hoạt động của hệ thống THAAD tại Hàn Quốc. Ngày 27/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ muốn phía Hàn Quốc chi trả cho chương trình này với chi phí ước tính 1 tỷ USD và đã thông báo với Seoul về vấn đề đó.
Tuy nhiên, Chính quyền Hàn Quốc đã ngay lập tức bác bỏ và nêu rõ Seoul đã cấp đất để triển khai THAAD theo thỏa thuận hai nước ký năm 2016 và không có thêm bất kỳ trách nhiệm nào về vấn đề tài chính.
Quân đội Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại sân golf Seongju, Hàn Quốc ngày 27/4/2017. Ảnh: AP
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!