Vaccine chống dị ứng này cũng được phát triển để chống lại tác động của các chất gây dị ứng tương tự, bao gồm táo, đào, đậu phộng và đậu nành - báo Kommersant đưa tin. Các thử nghiệm vaccine lâm sàng được công bố vào tuần trước dự kiến sẽ bắt đầu diễn ra vào tháng 9 và hoàn thành vào mùa hè năm 2025.
Theo các nhà nghiên cứu tham gia dự án, vaccine do Viện Miễn dịch học của FMBA cùng với Đại học Y khoa Vienna phát triển có thể cách mạng hóa liệu pháp miễn dịch đặc hiệu với chất gây dị ứng.
Các phương pháp điều trị hiện tại có thể kéo dài tới vài năm và người bệnh phải tiêm hàng chục mũi, nhưng kết quả cuối cùng vẫn chỉ làm giảm các triệu chứng chứ không loại bỏ hoàn toàn tình trạng dị ứng. Theo các nhà nghiên cứu, loại vaccine mới chỉ cần tiêm từ 3 đến 5 mũi là có hiệu quả.
"Chúng tôi đã lập biểu đồ chất gây dị ứng phấn hoa bạch dương và tìm ra những phần quan trọng nhất trong cấu trúc của nó" - ông Igor Shilovsky, Phó Giám đốc Khoa học và đổi mới tại Viện Miễn dịch học, cho biết. Ông Shilovsky nói thêm rằng các thành phần gây độc tính và tác dụng phụ tiềm ẩn đã được loại bỏ để tạo ra vaccine chống dị ứng.
Vào những năm 1990, các nhà nghiên cứu đã xác định rằng chất gây dị ứng là một nhóm protein, qua đó giúp liệu pháp điều trị đặc hiệu chất gây dị ứng trở nên khả thi. Việc phát triển vaccine dựa trên chất gây dị ứng tái tổ hợp và peptide chất gây dị ứng tổng hợp đã được thảo luận từ những năm 2010. Tuy nhiên, tất cả các phương pháp điều trị đã biết đều cần thời gian dài để tạo ra hiệu quả bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!