Ông Ruediger Krech - Giám đốc Chương trình nâng cao sức khỏe, Tổ chức Y tế thế giới cho biết: "Hiện nay có 44 triệu trẻ em và thanh thiếu niên hút thuốc, chúng ở độ tuổi từ 13 đến 15... và con số 44 triệu này thậm chí còn chưa bao gồm những trẻ em, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử. Số liệu này có thể coi là đại dịch rồi".
Theo WHO, trong nhiều thập kỷ qua, ngành công nghiệp thuốc lá đã sử dụng các chiến thuật quảng cáo, tiếp thị để thu hút giới trẻ, nhằm mở rộng thị trường. Ngoài các dạng thuốc lá truyền thống, một dạng khác được mô tả là thuốc lá thế hệ mới được cho là nhắm vào giới trẻ đã ra đời như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng…
"Ngành công nghiệp thuốc lá sử dụng những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm của họ. Và hãy nhìn vào thuốc lá điện tử, có khoảng 15.000 hương vị và nhiều trong số đó thực sự hướng đến giới trẻ và trẻ em như vị vani, vị kẹo cao su, việt quất", ông Ruediger Krech cho biết thêm.
Ngành công nghiệp thuốc lá đã đầu tư hơn 9 tỷ USD mỗi năm để quảng cáo sản phẩm của mình. Mục tiêu cũng chỉ là nhằm tìm kiếm người tiêu dùng thay thế cho các sản phẩm thuốc lá vốn đã khiến 8 triệu người chết sớm mỗi năm.
Trong bối cảnh số người trẻ sử dụng thuốc lá ngày càng gia tăng, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã kêu gọi chính phủ các nước cần hành động để bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của quảng cáo và sử dụng thuốc lá. Một loạt biện pháp dành cho các nước thành viên, từ việc cấm bán thuốc lá nơi công cộng, đến việc cấm bán thuốc lá trước cổng trường học hoặc nơi giới trẻ hay gặp gỡ và cấm quảng cáo thuốc lá, đã được đưa ra.
Theo các chuyên gia, nếu điều này không thay đổi, một nửa số trẻ em và trẻ vị thành niên có thể chết vì khói thuốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!