Người mắc COVID-19 có thể hình thành cục máu đông trong phổi, Hàn Quốc trước nguy cơ tái bùng phát dịch

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ sáu, ngày 27/05/2022 06:06 GMT+7

Hơn 530 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 27/5, thế giới có trên 530 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,3 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 85,48 triệu ca mắc và hơn 1,03 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 43.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo, một dòng phụ khác của biến thể Omicron đã trở thành biến chủng chủ đạo gây ra phần lớn ca mắc mới COVID-19 ở nước này. CDC cho biết, trong tuần từ ngày 14 - 21/5, dòng phụ BA.2.12.1 của biến thể Omicron gây ra 58% số ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ. Tỷ lệ này trong hai tuần trước đó lần lượt là 39,2% và 49,4%.

BA.2.12.1, tiến hóa từ BA.2, được cho là lây lan nhanh nhất trong số các dòng phụ của biến thể Omicron. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy BA.2.12.1 gây bệnh nặng hơn so với các dòng biến thể khác.

Tuần trước, Giám đốc điều hành Hiệp hội các quan chức y tế thành phố và địa hạt ở Mỹ, chuyên gia Lori Tremmel Freeman, cảnh báo, BA.2.12.1 có khả năng lây truyền cao hơn 25% so với BA.2. Theo bà, các dòng phụ của biến thể Omicron như BA.2.12.1 và BA.2 hiện là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gia tăng ca mắc COVID-19 ở Mỹ.

Vaccine ngừa COVID-19 chỉ giúp giảm khoảng 15% nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài. Đây là kết quả dựa trên nghiên cứu đối với hơn 13 triệu người do nhóm các nhà khoa học Mỹ tiến hành. Nghiên cứu trên đã được công bố trên tạp chí Nature Medicine.

Hội chứng COVID kéo dài (chỉ các triệu chứng kéo dài nhiều tuần và tháng sau khi bệnh nhân lần đầu dương tính với virus SARS-CoV-2) là một chủ đề khó nghiên cứu, do đặc thù nhiều triệu chứng khiến hội chứng này khó được xác định. Thậm chí, việc đi đến kết luận về tỷ lệ người mắc hội chứng này cũng không dễ dàng. Một số nghiên cứu trước đây cho rằng, khoảng 30% số người từng mắc COVID-19 gặp phải hội chứng này. Tuy nhiên, tháng 11/2021, một nghiên cứu tiến hành đối với khoảng 4,5 triệu người được điều trị tại các bệnh viện của Bộ Cựu chiến binh Mỹ (VA) cho thấy, tỷ lệ chung là 7% và con số này sẽ thấp hơn ở những trường hợp không phải nhập viện.

Một vấn đề khác mà các nhà khoa học quan tâm là tỷ lệ hội chứng này ở những người mắc COVID-19 đã được tiêm vaccine. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tiêm vaccine ngừa COVID-19 chỉ giúp giảm khả năng mắc hội chứng COVID kéo dài khoảng 15%. Kết quả này trái ngược so với kết quả từ các nghiên cứu trước đó có quy mô nhỏ hơn với kết luận về tỷ lệ bảo vệ cao hơn nhiều. Trong khi đó, một nghiên cứu khác tại Anh dựa trên khảo sát cá nhân đối với 1,2 triệu người cho kết quả rằng, vaccine ngừa COVID-19 giúp giảm 50% nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 26/5, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,14 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 524.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 666.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,84 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Người mắc COVID-19 có thể hình thành cục máu đông trong phổi, Hàn Quốc trước nguy cơ tái bùng phát dịch - Ảnh 1.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 chỉ giúp giảm nhẹ nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài. (Ảnh: AP)

Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Communications Medicine, các nhà khoa học Anh đã phát hiện "một phân tử kích hoạt" có trong cà phê dẫn tới sự thay đổi khứu giác của những người mắc COVID-19.

Mất khứu giác là một triệu chứng của bệnh COVID-19, với ước tính khoảng 18% người trưởng thành ở Anh mắc triệu chứng này. Một số người cũng trải qua tình trạng rối loạn khứu giác, hay còn gọi là chứng parosmia (sự thay đổi trong nhận thức bình thường về mùi). Những mùi dễ chịu bị biến thành mùi hôi thối như mùi rác hoặc mùi cống rãnh. Cơ sở sinh học cho vấn đề này vẫn là một điều bí ẩn đối với các nhà khoa học.

Tuy nhiên, các nhà khoa học Anh hiện đã phát hiện một phân tử mùi mạnh dường như là nguyên nhân khiến người mắc chứng parosmia ngửi thành mùi hôi thối. Phân tử này được gọi là phân tử 2-furanmethanethiol có trong cà phê. Người có khứu giác bình thường sau khi ngửi mùi này mô tả là giống mùi cà phê hay mùi bỏng ngô, trong khi những người mắc chứng parosmia mô tả là mùi hôi thối. Phân tử gây ra chứng parasmia có phổ biến nhất trong cà phê, chocolate, thịt, hành tây và kem đánh răng.

Chính phủ Argentina đã chính thức áp dụng liều vaccine tăng cường cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong bối cảnh số trường hợp nhiễm COVID-19 có dấu hiệu gia tăng trở lại tại nước này. Quyết định áp dụng liều vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 cho trẻ em đã được thông qua một ngày trước đó sau khi giới chức cân nhắc những đề xuất của Hiệp hội Nhi khoa Argentina. Cùng với đó, Bộ Y tế Argentina nhấn mạnh, ngành y tế nước này có đầy đủ thông tin về tính an toàn của các loại vaccine ngừa COVID-19 đối với trẻ em, đồng thời đưa ra dẫn chứng về hiệu quả của công tác tiêm chủng tại Chile và Mỹ.

Bộ trên cho biết, số ca nhiễm COVID-19 tại Argentina có dấu hiệu gia tăng kể từ đầu tháng 5, thời điểm quốc gia Nam Mỹ này chuẩn bị bước vào mùa đông. Tuy nhiên, không giống như các đợt bùng phát COVID-19 trước đó, đa phần các ca bệnh đều ở thể nhẹ do đã được tiêm vaccine ngừa bệnh, trong khi tỷ lệ nguy kịch và tử vong trong thời gian gần đây lại có xu hướng giảm.

Với hơn 47 triệu dân, Argentina đã triển khai tiêm gần 100 triệu liều trong chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 quốc gia, trong đó đã có 37,4 triệu người đã hoàn tất phác đồ vaccine cơ bản (hai mũi) và 20,6 triệu người đã tiêm mũi tăng cường. Quốc gia Nam Mỹ này đã khởi động chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 3 -1 1 tuổi vào tháng 10/2021, sử dụng vaccine của các hãng Sinopharm (Trung Quốc) và Pfizer (Mỹ).

Phát biểu tại Diễn đàn toàn cầu về giảm thiểu rủi ro thiên tai (GPDRR) năm 2022 được tổ chức tại Bali (Indonesia), Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed đánh giá cao các bước Indonesia đã thực hiện để giải quyết và ứng phó thành công đại dịch COVID-19. Bà Amina Mohammed đánh giá, nỗ lực của Indonesia tiêm vaccine cho dân số 217 triệu người là một thành tựu lớn.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, Chính phủ nước này đã thực hiện chính sách linh hoạt trong việc đối phó với đại dịch COVID-19 nhằm duy trì sự cân bằng giữa lợi ích sức khỏe và kinh tế. Chính sách này đã được chứng minh là có hiệu quả. Indonesia đã triển khai tiêm được 411 triệu liều vaccine cho người dân.

Tổng thống Joko Widodo cũng cho biết, số ca mắc COVID-19 hàng ngày ở Indonesia đã giảm mạnh, từ mức cao nhất 64.000 ca/ngày xuống còn 345 ca/ngày vào ngày 24/5 vừa qua.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 26/5 đã đến thăm Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) và kêu gọi thiết lập một hệ thống ứng phó khoa học trước khả năng tái bùng phát dịch COVID-19 trong mùa thu và mùa đông. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết trong chuyến thăm của Tổng thống Yoon, quan chức phụ trách KDCA đã báo cáo với Tổng thống về công tác ứng phó của cơ quan này với COVID-19. Tổng thống Yoon cũng tham gia một cuộc họp trực tuyến với các chuyên gia tại đây.

Người mắc COVID-19 có thể hình thành cục máu đông trong phổi, Hàn Quốc trước nguy cơ tái bùng phát dịch - Ảnh 2.

Hàn Quốc đang đứng trước nguy cơ bùng phát đợt dịch mới. (Ảnh: AP)

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thống Yoon nêu rõ: "Tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của một hệ thống khoa học chống virus dựa trên dữ liệu và do chuyên gia lãnh đạo. Cần nhanh chóng thiết lập một hệ thống khoa học chống virus mà người dân có thể tin cậy".

Chính phủ Hàn Quốc dự báo, số ca nhiễm mới COVID-19 hàng ngày ở nước này có thể lên tới 100.000 đến 200.000 trường hợp nếu đại dịch bùng phát trở lại. Giới chức y tế Hàn Quốc đã dự báo về một đợt tái bùng phát dịch vào tháng 6 tới do một biến thể virus mới lây lan nhanh hơn đã xâm nhập nước này thời gian gần đây. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, khả năng miễn dịch tự nhiên được hình thành sau đợt bùng phát do biến thể Omicron có thể sẽ hết sau tháng 6. Đến thời điểm đó, vaccine cũng hầu như không phát huy được tác dụng ngăn chặn lây nhiễm.

Ngày 26/5, Hàn Quốc ghi nhận 18.797 ca nhiễm mới COVID-19. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 34 trường hợp tử vong do COVID-19 và 243 bệnh nhân hiện đang trong tình trạng nguy kịch.

Giới chức Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 26/5 thông báo, học sinh phổ thông cơ sở và trung học của thành phố sẽ được đi học trực tiếp trở lại từ ngày 6/6 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 của thành phố đã chuyến biến tích cực. Tuy nhiên, quyết định này không bắt buộc, theo đó học sinh hai cấp này có thể tiếp tục học trực tuyến cho đến hết năm học theo nguyện vọng.

Đây chỉ là một trong những kế hoạch của chính quyền thành phố Thượng Hải trong nỗ lực khôi phục trạng thái bình thường của địa phương sau thời gian thực hiện lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19 theo chủ trương "Zero COVID" của Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, tiến trình khôi phục kinh tế của thành phố còn cả chặng đường dài và cần sự hỗ trợ của Chính phủ trung ương.

Theo kế hoạch, Thượng Hải sẽ nới lỏng các biện pháp phòng dịch từ ngày 1/6, ngoài trường học, các trung tâm thương mại và cửa hàng, cửa hiệu sẽ được mở cửa đón khách theo lộ trình.

Nhật Bản sẽ mở cửa đón khách du lịch nước ngoài đi theo các chuyến du lịch trọn gói từ ngày 10/6. Đây là thông báo của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đưa ra hôm 26/5. Thủ tướng Nhật bản cho biết, nước này sẽ tăng gấp đôi lượng khách nhập cảnh tối đa mỗi ngày lên 20.000 người kể từ ngày 1/6. Du khách đến từ các quốc gia có nguy cơ thấp, đã được tiêm chủng đầy đủ sẽ được miễn kiểm dịch và xét nghiệm COVID-19 khi đến Nhật Bản.

Trước đó, nước này đã bắt đầu một loạt các "tour du lịch thử nghiệm" quy mô nhỏ, cho phép một số ít du khách đến từ Mỹ, Australia, Singapore và Thái Lan nhập cảnh.

Những người từng mắc COVID-19 có nguy cơ hình thành các cục máu đông trong phổi, cũng như mắc các triệu chứng về đường hô hấp cao gấp đôi so với người chưa từng mắc. Đây là kết quả nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ tiến hành, công bố ngày 24/5.

Theo nghiên cứu trên, cứ 5 người trong độ tuổi từ 18 - 64 thì có 1 người gặp phải các vấn đề sức khỏe có thể liên quan đến COVID-19, trong khi cứ 4 người ở nhóm tuổi trên 65 thì có 1 người gặp phải. Kết quả này liên quan chặt chẽ với các kết quả từ những nghiên cứu trước.

Nghiên cứu cũng cho thấy, những người đã mắc COVID-19 có nguy cơ mắc thuyên tắc phổi cấp, cũng như các triệu chứng hô hấp như ho hay khó thở, cao nhất, gấp 2 lần so với những người chưa từng mắc bệnh, ở cả 2 nhóm tuổi 18-64 và trên 65 tuổi. Thuyên tắc phổi cấp chỉ tình trạng có cục máu đông trong động mạch phổi, có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng, bao gồm tổn thương phổi, giảm oxy và tử vong.

Australia mở rộng đối tượng tiêm mũi vaccine tăng cường Australia mở rộng đối tượng tiêm mũi vaccine tăng cường Đức khuyến nghị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ 5 - 11 tuổi Đức khuyến nghị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ 5 - 11 tuổi Số trẻ mắc COVID-19 tại Mỹ tăng 72% trong 2 tuần, giằng co cuộc chiến chống dịch ở Bắc Kinh Số trẻ mắc COVID-19 tại Mỹ tăng 72% trong 2 tuần, giằng co cuộc chiến chống dịch ở Bắc Kinh

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước