Các cuộc biểu tình ở Pháp phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi đã chuyển từ việc đập đá lát đường, tránh hơi cay và giơ cao biểu ngữ thành một việc gần gũi hơn với quốc gia ẩm thực này, đó là tạo ra tiếng động bằng cách gõ vào xoong, chảo.
"Bản giao hưởng ẩm thực" này đã bắt đầu diễn ra vào tuần trước khi Tổng thống Macron đang phát biểu trên truyền hình. Những người biểu tình đã tập trung tại hơn 400 địa điểm trước các tòa thị chính và trên đường phố ở nhiều thành phố như Paris, Marseille, Toulouse, Strasbourg..., gõ vào xoong, chảo nhằm cố gắng át đi tiếng nói của ông.
Việc gõ nồi, chảo diễn ra trên khắp nước Pháp một lần nữa vào 22h ngày 24/4 (theo giờ địa phương) theo kêu gọi của ATTAC, một nhóm hoạt động chống chủ nghĩa tư bản. Từ thành phố Lille ở miền Bắc đến thành phố Lyon ở vùng Đông Nam, hay thành phố Bayonne ở phía Tây Nam nước Pháp, nhiều người dân đã cầm dụng cụ nhà bếp của họ trong các cuộc biểu tình gây tiếng động ầm ĩ.
Nồi và chảo đã được sử dụng để quấy rối các bộ trưởng trong các chuyến công du chính thức, bao gồm Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp François Braun khi ông đến thăm một bệnh viện ở Poitiers; Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pap Ndiaye, người đã phải đi đường vòng ở thành phố Lyon để tránh hàng chục người biểu tình.
Phản ứng trước tình trạng biểu tình gây tiếng động ồn ào trên, Tổng thống Macron đã tuyên bố trong chuyến thăm Alsace vào tuần trước rằng "không phải những chiếc chảo sẽ khiến nước Pháp tiến lên".
Tuy nhiên, điều đó chỉ thổi bùng ngọn lửa bên dưới hành động biểu tình với những chiếc chảo. Nhà sản xuất dụng cụ nấu ăn của Pháp Cristel đã lên Twitter để tuyên bố rằng họ hiện đang sản xuất chảo thép không gỉ đặc biệt để "thúc đẩy" chiến dịch biểu tình quốc gia.
Một "trận chiến ẩm thực" như vậy nghe có vẻ như là một cách bất thường để bày tỏ sự bất bình, nhưng ở Pháp, đó là một truyền thống đã có từ hàng trăm năm. Trong Chế độ quân chủ, vào tháng 7/1830, những người Cộng hòa muốn lật đổ Vua Louis-Philippe đã đập nồi và đồ làm bếp để bày tỏ sự bất đồng quan điểm chống lại "bộ máy nhà nước", nhà sử học Emmanuel Fureix nói với Đài Phát thanh Văn hóa Pháp.
Tuần trước, các đồng hồ đo điện và gas không sử dụng đã bị các nhân viên ngành năng lượng tham gia đình công bỏ lại trước tòa nhà hành chính khu vực ở Marseille, trong khi một nghệ sĩ đường phố ở Paris biến hàng chục thùng rác không được thu gom thành tác phẩm điêu khắc.
Các cuộc thăm dò liên tục gần đây cho thấy, đa số người dân Pháp phản đối cải cách lương hưu, mà Tổng thống Macron nói là cần thiết để giữ cho hệ thống hưu trí hoạt động khi dân số già đi. Hàng triệu người người đã tham gia biểu tình phản đối cải cách hưu trí kể từ tháng 1.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!